Phát triển cây mắc ca thận trọng hơn

Công Tính thực hiện| 13/09/2019 09:53

Báo Đắk Nông vừa có loạt bài phản ánh về thực trạng phát triển cây mắc ca ở huyện Tuy Đức. Đề cập sâu hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần

PV: Qua một thời gian triển khai Đề án phát triển cây mắc ca ở huyện Tuy Đức, ông có đánh giá gì về loại cây trồng này?

Ông Lê Quang Dần: Có thể khẳng định, mặc dù cây mắc ca là cây trồng mới, nhưng qua triển khai thì cho thấy, đây là cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai, tập quán sản xuất của đồng bào ở một số địa phương trong huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển cây mắc ca ở đây cho thấy một số vấn đề cần quan tâm. Đó là chất lượng cây giống chưa tốt, nông dân chưa nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hiệu quả kinh tế tại một số vùng hoặc hộ gia đình còn chưa cao... Do đó, đã có những nghi ngờ nhất định về cây mắc ca. Điều này cũng cho thấy việc phát triển loại cây này cần phải thận trọng hơn.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về định hướng phát triển cây trồng này trong thời gian tới?

Ông Lê Quang Dần: Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2030, diện tích quy hoạch cây mắc ca toàn tỉnh đạt 8.000 ha. Như tôi đã trao đổi, việc phát triển cây trồng này cần thận trọng. Đó là, phát triển cây mắc ca trên phần diện tích đất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương; trồng trên diện tích đất lâm nghiệp trống.

Đối với nông dân, nhất là hộ đồng bào thì khuyến khích trồng xen canh cây trồng này với cây cà phê, điều... Việc phát triển cây mắc ca phải tính toán theo hướng đa tác dụng. Ngoài yếu tố kinh tế thì còn mục đích môi trường (cây mắc ca được xem là cây lâm nghiệp -PV).

PV: Điều người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất đối với việc phát triển cây mắc ca vẫn là cây giống và quy trình kỹ thuật chăm sóc. Thưa ông, vấn đề này đã được ngành Nông nghiệp xử lý như thế nào?

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần: Cây giống và kỹ thuật trồng là một trong những khâu được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Đối với cây giống, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị khoa học, doanh nghiệp trồng mắc ca trên địa bàn khảo nghiệm các dòng mắc ca. Bước đầu, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân chọn những giống phù hợp với điều kiện sinh trưởng ở địa phương như: OC, QN, 695…

Về khâu chăm sóc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang phối hợp chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng mắc ca như: Chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm…

PV: Qua tìm hiểu thực tế, vấn đề người dân lo lắng nhất trong sản xuất nông nghiệp là đầu ra cho sản phẩm. Theo ông, đầu ra của cây trồng này như thế nào?

Ông Lê Quang Dần: Đến thời điểm hiện nay, sản lượng trái mắc ca trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa. Như vậy, dư địa nâng cao sản lượng cây trồng này vẫn còn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì việc trồng cây mắc ca vẫn phải được thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch. Mặt khác, với việc làm tốt khâu giống và kỹ thuật thì cây mắc ca vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế, nhất là đối với những hộ có thu nhập thấp.

Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với những quy định cụ thể về mức hỗ trợ. Đây được xem là động lực quan trọng để nông dân, doanh nghiệp liên kết phát triển cây mắc ca, cũng như các cây trồng khác.

PV: Xin cảm ơn ông !

Toàn tỉnh Đắk Nông có 900 ha cây mắc ca

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, cây mắc ca bắt đầu được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh từ năm 2010. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 900 ha cây mắc ca đã được trồng ở các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song. Thống kê của huyện Tuy Đức, đến nay địa phương có khoảng 800 ha mắc ca, trồng nhiều ở xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm. Toàn huyện đã có 335 ha mắc ca bắt đầu vào thời kỳ cho trái.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây mắc ca thận trọng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO