Phát triển chăn nuôi lợn trở lại cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật phòng bệnh

Hồng Thoan| 15/10/2019 08:56

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang có chiều hướng lây lan rộng, ngành Nông nghiệp khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi phát triển, tăng đàn lợn trở lại, và cần theo hướng bảo đảm quy trình an toàn sinh học.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ thiệt hại lớn

Từ tháng 7, đàn lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Khi có khoảng chục con lợn phát bệnh, chị đã kịp thời báo cho chính quyền địa phương, lấy mẫu đi xét nghiệm và có kết quả dương tính thì chấp hành việc tiêu hủy. Sau đó, dịch tiếp tục lây lan và trong khoảng 2 tháng, toàn bộ đàn lợn gần 200 con lớn nhỏ của chị đều phải tiêu hủy. Tổng cộng là 5 lần, chị đành ngậm ngùi chứng kiến việc đàn lợn lăn ra chết hàng loạt.

1.000 m2 chuồng trại của gia đình chị Nguyễn Thị Lan thôn 6, Đắk Wer (Đắk R'lấp) trống không

Chị Lan tần ngần, nước mắt chảy dài: “Gia đình bắt đầu nuôi lợn theo hình thức trang trại từ gần 3 năm nay. Ban đầu tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại 1.000 m2, hệ thống máng ăn, uống hầu hết đều phải vay mượn ngân hàng. Việc vệ sinh, phòng bệnh hàng ngày đều rất kỹ lưỡng, vậy mà đàn lợn vẫn không tránh khỏi "bão dịch". Chết hết 190 con, chuồng trống không, vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ nhiều tháng nay”.

Không chỉ gia đình chị Lan, thôn 6, Đắk Wer được coi là "tâm" dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các đàn lợn của bà con đến nay đã bị dịch lây. Theo ông Lưu Ngọc Ba, Trưởng thôn 6, những tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã gần như “quét sạch” đàn lợn của người dân trong thôn, có hộ tiêu hủy 1 lần, nhưng cũng có hộ lợn chết phải tiêu hủy đến 5-7 lần, thiệt hại kinh tế rất lớn.

Thống kê toàn thôn có 9 trang trại, với tổng đàn khoảng 1.000 con và 15 hộ nuôi nhỏ lẻ, với khoảng 200 con nhưng hầu hết đã bị chết, tiêu hủy.  Điều đáng nói là dù đẩy mạnh tiêu độc khử trùng, dập dịch nhưng sau 30 ngày, đàn lợn ở thôn 6 vẫn bị tái phát dịch. Điều này cho thấy đây là một loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với người chăn nuôi.

Dùng mọi phương pháp để chữa trị nhưng đàn lợn 190 con của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) vẫn chết vì dịch tả lợn châu Phi.

Ông Lê Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cho biết: Nhận định được sự nguy hiểm của dịch nên ngay từ những tháng đầu năm, xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch. Xã thành lập các chốt chặt, thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh để xử lý. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến nay, dịch đã xuất hiện và lây lan nhanh trên địa bàn xã, trọng điểm là tại thôn 6. Đến nay, toàn xã đã có 774 con lợn bị tiêu hủy, với tổng khối lượng là 71.422 kg. Đây là một thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

ADQuảng cáo

Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cũng khẳng định, trong thời kỳ này, xã chỉ đạo người dân tuyệt đối không tái đàn bởi các nguy cơ còn tiềm ẩn, nếu vội vàng rất có thể lại có thể bị dịch gây thiệt hại lớn. Trong quá trình vận động, xã nói rõ các quy định của Nhà nước, nếu trong vùng còn dịch mà bà con tái đàn, khi bị dịch sẽ không được hỗ trợ. Cùng với đó, xã cũng nhắc nhở người dân phải chú ý vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Đắk R’lấp là vùng có nhiều lợn bị dịch, tiêu hủy. Theo ông Lê Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, đến đầu tháng 10, đàn lợn của huyện đã bị thiệt hại 917 con, khối lượng hơn 80.970 kg. Hiện nay, việc tái đàn chỉ diễn ra ở các trang trại lớn, bảo đảm an toàn sinh học và chưa mắc dịch, còn những vùng có hộ chăn nuôi quy mô nhỏ thì hầu như bà con không tái đàn. Ngành chức năng, địa phương cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền việc nhập lợn giống phải có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc, giấy kiểm dịch động vật.

Chuồng trại nuôi lợn của các hộ dân tại thôn 6, Đắk Wer (Đắk R'lấp) đều gần khu vực sình lầy, ao hồ dễ lây bệnh qua nguồn nước.

Phải bảo đảm an toàn

Thống kê, đến đầu tháng 10, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Cụ thể, dịch xuất hiện tại 247 hộ (tăng 52 hộ), 111 thôn, tổ dân phố (tăng 18 thôn, khối phố), 40 xã, phường, thị trấn (tăng 3 xã, phường) so với đầu tháng 9. Tổng số lợn tiêu hủy là 3.694 con, khối lượng tiêu hủy 258.250 kg.

Theo tìm hiểu, hầu hết các địa phương, người dân hầu như chưa tái đàn vì sợ dịch quay trở lại. Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) lưu ý, trong điều kiện dịch đang bùng phát, lây lan, nếu muốn tái đàn điều bắt buộc là người nuôi, doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Ngoài những xã chưa có dịch, ở những vùng từng có dịch, sau 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết và công bố hết dịch tại địa phương, người dân muốn tái đàn trở lại phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn. Sau khi cán bộ thú y, chính quyền  địa phương kiểm tra thực tế các điều kiện từ vị trí chuồng trại, cách thức chăn nuôi, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường, bảo đảm hết mầm bệnh mới nhập lợn giống.

Việc nhập đàn phải được thực hiện theo từng bước, nhằm tránh thiệt hại lớn. Các hộ nuôi thử số lượng hạn chế từ 5 - 10 con trong khoảng một tháng sau đó lấy mẫu xét nghiệm, khi bảo đảm đàn lợn đang nuôi không bị dịch mới nhập số lượng lớn. Người dân trong vùng dịch cần tránh tình trạng thấy giá lợn hơi xuất chuồng lên cao thì tự ý nhập đàn mới về nuôi.

Ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp cho biết: Việc phát triển chăn nuôi lợn trở lại cần sự thận trọng, nhất thiết phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật phòng bệnh. Với các xã đang có dịch, người dân tuyệt đối không nhập đàn mới từ bên ngoài về nuôi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chăn nuôi lợn trở lại cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật phòng bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO