Phát triển hồ tiêu bền vững: "Nóng"... cả trên diễn đàn

Hồng Thoan| 13/06/2017 10:12

Diễn đàn Khuyến nông về phát triển hồ tiêu bền vững được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa ngày 7/6 đúng vào thời điểm giá hồ tiêu đang đà giảm sâu, trong khi diện tích vẫn tiếp tục tăng mạnh. Giải quyết những bất ổn về cung, cầu; chủ động trong phòng, chống dịch bệnh… một lần nữa đang trở thành vấn đề “nóng” ngay tại diễn đàn lần này.

ADQuảng cáo

Với chủ đề “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững”, diễn đàn khuyến nông lần này đã có hơn 50 ý kiến tham gia tham luận, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những trăn trở trong phát triển hồ tiêu hiện nay của các chuyên gia, lãnh đạo và người trồng hồ tiêu đến từ những vùng trọng điểm trồng tiêu của cả nước.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn tiêu của gia đình chị Triệu Thị Hải ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) luôn xanh tốt. Ảnh: Bình Nhi

Vẫn đang trong thế… bấp bênh

Có thể khẳng định, phát triển hồ tiêu bền vững là chủ đề được đề cập không riêng gì ở hội thảo lần này mà từ trước đến nay. Tuy nhiên thực tế, cây hồ tiêu vẫn đang trong thế bấp bênh do phải đối mặt với dịch bệnh diễn biến phức tạp, dư lượng hóa chất và diện tích vượt tầm kiểm soát…

Trong hơn 50 ý kiến thảo luận, chia sẻ tại diễn đàn, có khoảng 40 ý kiến đề cập đến vấn đề khi nào người trồng hồ tiêu chủ động được trong phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thanh, thôn 3, xã Trúc Sơn (Chư Jút), người có kinh nghiệm nhiều năm trong trồng, chăm sóc hồ tiêu cho rằng: Bệnh chết nhanh đang là mối lo lớn nhất của nông dân. Trong đó, có thể nói làm sao phòng được bệnh mới là quan trọng nhất. Bởi vì khi tiêu đã phát bệnh chết nhanh, nếu trị bệnh cũng chỉ thành công khi mới phát sinh, còn đã nhiễm khoảng 1/3 diện tích thì coi như bỏ cả vườn. Mặc dù biết bệnh nhưng hiện nay, những  nông dân như ông vẫn chưa có cách phòng chống hiệu quả nên mong muốn ngành Nông nghiệp có những hỗ trợ, tư vấn cụ thể hơn.

Hay như chị Nông Thị Nội, ở thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) cũng cho biết, vườn hồ tiêu của chị đang bị thối rễ. Qua trao đổi của Ban cố vấn của Diễn đàn, chị biết rằng vườn cây đang bị bệnh tuyến trùng. Thực tế thì gia đình cũng đã sử dụng nhiều biện pháp chữa trị nhưng cũng không hết bệnh. Chị băn khoăn rằng, liệu dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã đúng hay chưa. Tương tự, một số nông dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai cũng cho rằng họ đang lúng túng trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Nam, ở Ea Toh, Krông Năng (Đăk Lắk) bày tỏ: “Nhiều lúc cả mùa mưa vườn cây xanh tốt nhưng mới chuyển qua khoảng vài, ba ngày nắng thì thấy vườn héo đi nhanh chóng, nông dân rất lúng túng, trở tay không kịp”.

ADQuảng cáo

Theo các chuyên gia thì việc phát triển diện tích hồ tiêu ồ ạt mà không chú trọng vào kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng tiêu theo khuyến cáo như thời gian qua cũng đang đặt loại cây này trong thế bấp bênh, thiếu tính bền vững. Cụ thể nếu như năm 2001, diện tích hồ tiêu của cả nước mới ở mức khoảng 35.000 ha thì đến năm 2016 diện tích đã tăng lên 124.529 ha, trong đó có khoảng 30% diện tích (tương đương với gần 40.000 ha) hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó nhiều nhất là chết nhanh, chết chậm. Tại Đắk Nông, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian gần đây, toàn tỉnh cũng có hơn 500 ha hồ tiêu bị bệnh, trong đó 66 ha hồ tiêu đã bị chết.

Thành viên HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) có hơn 30 ha hồ tiêu hữu cơ

Đâu là hướng mở?

Cũng tại diễn đàn, một số nông dân của Đắk Nông, Đồng Nai và các địa phương khác đã chia sẻ kinh nghiệm về trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Phương thức canh tác này đang được cả các nhà quản lý, khoa học xem như hướng mở cho việc phát triển hồ tiêu an toàn.

Theo ông Bùi Ngọc Hải, ở thôn 4, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) từ hơn 10 năm nay ông đã trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Thật ra nó cũng không gì xa lạ với nhà nông, bởi phân bón hữu cơ từ bao đời nay nông dân Việt Nam đã quen sử dụng... Chỉ có khác là biết cách kết hợp, ủ với một số loại men để cho ra sản phẩm tối ưu, hàng năm bổ sung thêm các chế phẩm sinh học như Tricoderma để tăng sức đề kháng cho cây. Chính vì không sử dụng phân hóa học, kết hợp trồng xen canh nên vườn hồ tiêu 2 ha của gia đình nhiều năm nay ít khi bị bệnh, năng suất luôn ổn định ở mức 3 tấn/ha.

Hay như ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) cũng khẳng định: Hơn 15 năm nay, thành viên hợp tác xã rất ít sử dụng phân bón hóa học, vườn cây của chúng tôi nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ là bỏ không chăm sóc vì cỏ mọc um tùm nhưng thực tế để vườn như vậy là giữ cho bộ rễ khỏe, tự nhiên, chỉ nhổ cỏ quanh gốc. Ít sử dụng phân bón hóa học nên đất cũng tơi xốp, nhiều dinh dưỡng hơn, ít bị bệnh. Sản phẩm của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bà Đào Thị Lan Hoa (Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết, qua các nghiên cứu của Viện cho thấy, cây hồ tiêu trồng trên các loại cây trụ sống khác nhau như muồng đen, lồng mức... có khả năng kháng sâu bệnh cao hơn so với trồng thuần. Hơn nữa trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, các loại cây trụ sống còn giúp che bóng, tạo tiểu vùng khí hậu ổn định, chống hạn hiệu quả cho hồ tiêu.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm an toàn về thực phẩm, tăng tính cạnh tranh thì sản xuất theo hướng hữu cơ đang được các chuyên gia, người trồng hồ tiêu xem là ưu việt nhất, hướng tới phát triển hồ tiêu bền vững. Tuy nhiên, do chạy theo sản lượng, lợi nhuận trước mắt, đa phần nông dân trồng hồ tiêu hiện nay vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này. 

Ý kiến chuyên gia

* Bà Lê Thị Hiền, Phó Trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Với các bệnh trên cây hồ tiêu chủ yếu gây hại nhiều nhất là chết nhanh, chết chậm và bệnh tuyến trùng. Các loại bệnh này chủ yếu phát sinh gây hại do canh tác là chính. Cây tiêu có bộ rễ rất nhạy cảm, nếu tác động đến rễ gây đứt rễ thì rất dễ phát sinh lây lan bệnh. Bà con nên để gốc tiêu cao hơn xung quanh, vườn có hệ thống rãnh thoát nước giúp cây không bị úng.

* Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi Cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông: Chính việc bà con thâm canh, tăng năng suất, độc canh cây tiêu đã làm cho hồ tiêu khi bị bệnh thì khó chữa và dễ lây lan. Để tăng năng suất, nông dân thường sử dụng nhiều phân bón hóa học, điều này đã làm cho đất mất đi nhiều chất dinh dưỡng, vi sinh vật có lợi. Vì thế để phòng bệnh thì các biện pháp về canh tác xen canh cần được chú trọng. Cụ thể, có thể trồng hồ tiêu xen canh với cà phê, các loại cây ăn quả, trồng trên cây trụ sống. Cũng theo ông Khải, hiện nay, các loại phân bón hữu cơ có Trichoderma sp đã được ngành Nông nghiệp khảo nghiệm phòng, chống bệnh chết nhanh, chết chậm hiệu quả, bà con nên chú ý sử dụng đúng cách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hồ tiêu bền vững: "Nóng"... cả trên diễn đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO