Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp

Nguồn dangcongsan.vn| 03/03/2017 08:44

Ngày 2/3, tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị "Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp".

ADQuảng cáo

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: sau 30 năm đổi mới, sản xuất lương thực thực phẩm, năm 2016 đã xuất khẩu được trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất nhiều bất cập. Mặc dù chỉ chiếm 15,6% GDP nhưng có tới 46% lao động làm việc trong nông nghiệp. Trong khi khu vực nông thôn ngày càng thiếu lao động trẻ, lao động chất lượng cao thì một dòng lao động lớn di cư về thành phố, để lại 70% số cư dân ở nông thôn với thu nhập rất thấp cả về đời sống vật chất và tinh thần. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Với mong muốn đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển, năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong 3 năm qua,  với sự thành công của Quảng Ninh trong chương trình “Quảng Ninh- mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã mở ra một triển vọng lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo nên chất liệu hết sức quan trọng cho hội nghị ngày hôm nay. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: từ thực tiễn triển khai của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng cho thấy, chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng nội sinh là hết sức đúng đắn. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT quyết định phát động chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để phát triển nông thôn gắn với 2 mục tiêu cốt lõi là xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

ADQuảng cáo

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của ngành nông nghiệp; sự phối hợp của các bộ, ngành trong chỉ đạo thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương để thực hiện chương trình phát triển kinh tế ngành, nghề nông thôn mà trong đó mô hình “mỗi làng một sản phẩm” do Bộ NN&PTNT khởi xướng. Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong việc triển khai mô hình “mỗi xã, phường một sản phẩm” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (trong đó có phong trào “Mỗi xã một sản phẩm”) ở các địa phương chưa gắn liền với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các điều kiện để phát triển ổn định chưa đảm bảo; thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu. Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống; việc phát triển làng nghề còn tản mạn, thiếu sự quản lý tập trung, chưa thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển làng nghề. Vì vậy, trong triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", mỗi địa phương tùy theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của mình, Quảng Ninh cần lựa chọn ra những sản phẩm có lợi thế, có thị trường; lấy người dân, các hộ gia đình là chủ thể để sản xuất, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm động lực trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường. Đồng thời, phải tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, khối lượng lớn, khả năng cạnh tranh cao. Từ đó tạo ra nhiều việc làm ổn định ở khu vực nông thôn.

Với quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung những nhiệm vụ trọng tâm: rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách, quy hoạch, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý mới trong phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn; có chính sách cụ thể đối với các sản phẩm đặc thù, các sản phẩm có thế mạnh vùng, miền; từ đó lập các kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách chi tiết, cụ thể; tăng cường huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa; nhà nước phải có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, hội, hiệp hội, nhà khoa học tham gia phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, việc tổ chức triển khai chương trình phải đồng bộ trên mọi khía cạnh (kinh tế, văn hóa, xã hội); đồng thời, phải có sự tham gia của cộng đồng để huy động các nguồn lực, từ tri thức, công nghệ, nguyên liệu địa phương đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển với sự tham gia đầy đủ của người dân.

Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị cũng đã nghe tham luận của các đại biểu về kết quả, kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2013 – 2016; định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn để từng bước hình thành nhóm sản phẩm chủ lực, phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững; thảo luận về một số cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lợi thế của từng huyện/xã theo chuỗi giá trị, cùng với phát triển du lịch tạo sự đột phá trong xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong những năm tới đây.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO