Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Văn Tâm| 29/05/2018 09:53

Đắk Nông có địa hình bị chia cắt mạnh và phức tạp, độ dốc lớn, lượng mưa phân bố không đều, hàng năm đất bị xói mòn, hạn hán gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng lương thực. Do đó, việc tìm giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đang là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành và nông dân.

ADQuảng cáo

Do hạn hán gây thiếu hụt nước tưới, người dân thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) phải khoan giếng để tìm nguồn nước tưới

Một thực tế là hiện nay, sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh chưa tuân thủ kế hoạch, quy hoạch của nhà nước. Do tác động của cơ chế thị trường, có khu vực và cây trồng, diện tích mở rộng một cách tự phát, tràn lan, không tính đến hiệu quả lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp thiếu, năng suất một số cây trồng thấp so với trung bình của vùng Tây Nguyên, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp thấp, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa hạn chế.

Trong những năm tới đây, theo dự báo của các nhà khoa học và ngành khí tượng thủy văn thì các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp bao gồm: Hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất tại các vùng trũng mưa lũ nhiều, tụt mực nước ngầm, nhiệt độ không khí tăng lên, khả năng thích nghi của cây trồng, vật nuôi kém, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân 2015 – 2016, do khô hạn, ông K’Tul ở thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê (Đắk Glong) phải bơm nước từ khe suối vào cứu lúa trên ruộng

Đắk Nông cũng sẽ là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số với khả năng thích ứng chậm sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro, mất mùa, thiếu lương thực và tỷ lệ tái nghèo cao. Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi căn bản từ khâu giống, sử dụng giống chất lượng cao. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiếp tục được ưu tiên và hướng vào sản phẩm chủ lực của từng địa phương, nhằm khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp. Qua đó, giúp nông dân bảo đảm sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã, đang diễn ra theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, qua theo dõi cho thấy nhiệt độ các tháng trong năm, mùa khô và mùa mưa không còn tuân theo quy luật chung như những năm trước. Mùa mưa đang có xu hướng đến muộn như năm 2015, có năm đến sớm như năm 2017, làm hầu hết diện tích điều trên địa bàn toàn tỉnh gần như mất trắng. Tiếp đó là hạn hán diễn ra cục bộ tại nhiều nơi. Vụ đông xuân 2015-2016, tổng diện tích cây trồng bị hạn là 23.055,93 ha. Mùa vụ xuống giống vụ hè thu cũng có sự thay đổi rõ rệt giữa các huyện trong tỉnh, có nơi cách biệt từ 1-2 tháng như Tuy Đức, Chư Jút. Khí hậu nóng, ẩm hầu hết các tháng trong năm là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh và côn trùng gây hại tồn tại, phát triển mạnh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Trong đó, phổ biến là các loại nấm hồng, nấm phytopthora, tuyến trùng, sâu xám, rầy, bọ xít trên cây trồng; lỡ mồm, long móng trên gia súc; bệnh rù, toi trên gia cầm, thủy cầm...

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT thì đối với giải pháp về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, trước mắt, các địa phương cần chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt, các giống mới có tính thích ứng cao như: Chống chịu hạn, sâu, bệnh hại... Qua đó, xây dựng các bộ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Giải pháp về phương thức canh tác, cần nghiên cứu nâng cao hiệu quả sản xuất như: Sử dụng phân bón và các vật liệu phân bón mới, các loại phân bón hữu cơ, phân sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Từ đó thay đổi các biện pháp canh tác truyền thống của nông dân  bằng canh tác bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc rà soát, quy hoạch và xây dựng các công trình thủy lợi, củng cố lại đê bao, hồ đập chứa nước nhỏ, kênh tiêu nước tại các vùng ngập úng thì việc tăng độ che phủ của rừng thông qua các hình thức: trồng mới rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, hạ nguồn, quản lý bảo vệ tốt các rừng đặc dụng, rừng nghèo cần được các cấp, ngành chú trọng hơn nữa. Đồng thời, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, các cấp, ngành chức năng cần xúc tiến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Bởi chính nông dân là những người thường xuyên đối mặt với các rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO