Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi từ nguồn giống và chăn nuôi an toàn

Hồng Thoan| 23/06/2020 10:05

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại một số xã trên địa bàn huyện Đắk Song. Về nguyên nhân, chính quyền địa phương xác định là do chăn nuôi mất an toàn và nguồn giống...

ADQuảng cáo

Dịch bệnh đến từ con giống "trôi nổi"

Giữa tháng 5/2020, đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, ở bon Ding Plei, xã Trường Xuân (Đắk Song) có những biểu hiện tím tái, sốt cao. Ông Thủy đã báo cáo sự việc với chính quyền địa phương. Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xã, huyện đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả, đàn lợn của ông Thủy dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay lập tức, đàn lợn của ông Thủy đã được tiêu hủy, lực lượng chuyên môn cũng tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, khu vực xung quanh.

Nguồn giống không bảo đảm là nguyên nhân làm lợn chết do dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Nguyễn Văn Thủy, xã Trường Xuân (Đắk Song)

Theo ông Thủy, số lợn trên được ông mua từ một người ở địa phương khác, không có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, không được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. “Qua đây, tôi rút ra bài học là phải mua con giống ở những địa chỉ cung ứng uy tín, bảo đảm sạch bệnh”, ông Thủy cho biết.

Cũng ở bon Dinh Plei, đàn lợn của gia đình ông Bàn Vần Chán có những biểu hiện sốt, bỏ ăn, chết. Qua tìm hiểu của UBND xã Trường Xuân, đàn lợn của ông Chán cũng được mua cùng thời điểm với ông Thủy, nguồn gốc giống trôi nổi. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy những con lợn mắc bệnh của ông Chấn và tiến hành xử lý chuồng trại để bệnh dịch không lây lan ra diện rộng.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Nhật Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, toàn xã chỉ có một cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn, còn lại chủ yếu được người dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì thế, việc bảo đảm các yếu tố về chăn nuôi an toàn dịch bệnh khó thực hiện, đa phần bà con khó tiếp cận các nguồn giống bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trước thực tế trên, xã đã chỉ đạo các thôn, đội ngũ chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp, thú y, các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn. Địa phương cũng kiểm tra chặt chẽ hơn về nguồn giống, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi của các hộ dân. UBND xã Trường Xuân cũng sẽ xử lý những trường hợp bán lợn giống không có giấy tờ hợp pháp, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc mang mầm bệnh...

Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tả lợn châu Phi Trường Xuân tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng kỹ thuật, hạn chế lây lan

Cần thận trọng trong chăn nuôi

Vừa qua, đàn lợn của một hộ dân ở xã Nam Bình (Đắk Song) được phát hiện mắc dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân được cơ quan xác định là do gia đình sử dụng nguồn thức ăn không bảo đảm an toàn. Cụ thể, theo ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Bình, tháng 4/2020, đàn lợn của gia đình ông Trịnh Văn Phong, thôn 10, xã Nam Bình, có 20 con mắc dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, gia đình ông Phong sử dụng rau, củ, quả dư thừa lấy ngoài chợ về làm thức ăn cho lợn. Gia đình cũng không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn như tiêu độc, khử trùng định kỳ; không tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Theo UBND huyện Đắk Song, trong tháng 4, 5/2020, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn các xã Trường Xuân, Nam Bình, Đắk  N’drung. Các ổ dịch đều được khống chế, không để lan ra diện rộng. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy 45 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng 962 kg.

Cũng theo ông Tiến, thời gian qua, trên địa bàn xã có một số hộ phát triển chăn nuôi các loại lợn rừng lai. Giống lợn này vốn có sức đề kháng cao, phù hợp với những hộ có vườn rẫy rộng. Thế nhưng, nhiều đàn lợn rừng cũng mắc dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân cũng do bà con sử dụng nguồn thiếu an toàn. "Do đó, việc siết chặt các biện pháp về bảo đảm chăn nuôi an toàn cần được người dân chú ý nhiều hơn, nhất là khâu giống và nguồn thức ăn", ông Tiến nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi từ nguồn giống và chăn nuôi an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO