Phòng dịch nhưng không quay lưng với thịt lợn an toàn

Hồng Thoan thực hiện| 29/03/2019 11:59

Mặc dù chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi song trước diễn biến phức tạp của loại bệnh dịch này, thời gian gần đây, nhiều người tỏ ra lo lắng và có tâm lý quay lưng với sản phẩm thịt lợn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT.

ADQuảng cáo

Ông Lê Trọng Yên

PV: Quan điểm của ông về việc một số người dân trên địa bàn có tâm lý quay lưng với thị lợn vì thông tin dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng ở các tỉnh, thành?

Ông Lê Trọng Yên: Trước hết tôi cho rằng, tâm lý của một số người tạm thời không ăn thịt lợn vì sợ dịch bệnh cũng dễ hiểu. Cũng có thể là họ thiếu thông tin hoặc đề phòng một cách thái quá. Với vai trò là người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh, tôi khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Đó cũng chính là khẳng định của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế. Dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

Một đặc điểm nữa là vi rút trong bệnh tả lợn này chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 500 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 600 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 900 độ C và bị tiêu diệt hoàn toàn dưới 1 phút khi đun sôi ở 1000 độ C. Tuy bệnh không gây bệnh cho các loài động vật khác, nhưng ở lợn, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Do đó,  theo tôi, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, dịch cũng chưa xuất hiện tại Đắk Nông và cơ quan chức năng vẫn đang kiểm soát tốt nguồn lợn từ các tỉnh, thành vào địa phương.

PV: Để ngăn chặn tốt sự xâm nhập của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, tỉnh đang thực hiện các giải pháp như thế nào thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn khoảng 270.000 con, tập trung nhiều ở 135 trang trại. Chăn nuôi lợn đang đóng góp lớn vào giá trị ngành Nông nghiệp tỉnh. Với vị trí địa lý nằm trên trục đường giao thông thuận tiện là quốc lộ 14, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành khác nên  Đắk Nông được đánh giá là có nguy cơ cao xuất hiện dịch bệnh. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo quyết tâm thực hiện nghiêm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn qua, vào địa bàn.

ADQuảng cáo

Ngày 22/3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 738 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Hiện nay đơn vị chuyên môn, các địa phương triển khai đạt hiệu quả công tác tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2019, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn có nguy cơ mang mầm bệnh qua hoặc vào địa bàn tỉnh. Lực lượng chuyên môn được tăng cường làm việc 24/24 giờ ở các trạm kiểm dịch động, thực vật đầu mối và Điểm kiểm dịch động vật Cầu 14 (Cư Jút), Cai Chanh (Đắk R’lấp), kiểm dịch tại các cửa khẩu Đắk Puer (Đắk Mil), Bu Prăng (Tuy Đức).  Tuyệt đối không cho vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào, qua địa bàn. 

Ngành Nông nghiệp duy trì số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin về dịch, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh để kịp thời phát hiện dịch. Sở cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư và cơ số thuốc để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng, các địa phương đang triển khai kiểm tra hàng loạt các điểm giết mổ, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn ra thị trường, để kịp thời phát hiện xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Mục tiêu là  kiểm tra sản phẩm từ lúc thành phẩm, vào chợ, các đầu mối và đến tay người tiêu dùng bảo đảm đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc.

PV: Cùng với những nỗ lực trong công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh của ngành chức năng, địa phương thì vai trò của hộ cá thể, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn như thế nào trong thời điểm này thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Tôi nhấn mạnh đến dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, với nhiều con đường lan truyền, hiện chưa có vắc xin phòng và chữa bệnh. Với đặc điểm chăn nuôi của tỉnh là nhỏ lẻ còn nhiều thì dễ bùng phát dịch. Do đó, cùng với những giải pháp quyết liệt của cơ quan chuyên môn thì cần sự phối hợp, chủ động thực hiện các biện pháp cụ thể, một cách đồng bộ của chủ đàn vật nuôi mới đem lại hiệu quả.

Đặc biệt, chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng trang trại, quy mô lớn gắn với phòng dịch là biện pháp vừa trước mắt vừa lâu dài, có tính chất quyết định đến việc phát triển chăn nuôi lợn. Trong đó, người nuôi thực hiện tốt "5 không" theo đúng quy định của luật Thú y như không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt (nấu sôi). Các địa phương đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người chăn nuôi và cộng đồng nắm được tình hình dịch bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở châu Phi, từ năm 2017 đến nay  đã lây lan tại 20 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 1/2/2019. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - PTNT, tại cuộc họp của Bộ vào ngày 26/3 về việc phòng chống bệnh tả lợn châu Phi, trên cả nước dịch bệnh này đã  xảy ra tại 447 xã, của 84 huyện, thuộc 21 tỉnh, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 65.000 con. 21 tỉnh, thành của Việt Nam đã xảy ra dịch gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu và Bắc Giang.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng dịch nhưng không quay lưng với thịt lợn an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO