Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch

Thanh Nga thực hiện| 12/04/2019 10:11

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm đến đông đảo hội viên, phụ nữ. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Hạnh, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông

PV: Theo bà, phụ nữ có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch?

Bà Hà Thị Hạnh: Phải khẳng định rằng, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Bởi lẽ, trong gia đình hay ngoài xã hội, phụ nữ cũng là người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, phụ nữ là lực lượng đông đảo, có mặt trong các tổ chức đoàn thể xã hội.

Vì vậy, trong thời gian qua, các cấp hội phụ nữ luôn chú trọng tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch đến hội viên, phụ nữ.

PV: Hoạt động tuyên truyền của các cấp hội đã giúp chị em thay đổi tư duy như thế nào, thưa bà?

Bà Hà Thị Hạnh: Một điều thuận lợi là nhiều năm nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn thực phẩm; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

 Những nội dung trên đều liên quan đến các hoạt động trọng tâm và đã được các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cán bộ, hội viên và các gia đình. Từ  đó, chị em và các thành viên trong gia đình thay đổi tư duy, nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng, tạo sức lan tỏa ra cộng đồng. 2 năm nay, thông qua triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị em ngày càng phát huy rõ vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Đa số chị em tham gia đề án đều chọn kinh doanh, sản xuất rau, củ, quả, cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi… theo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao.

Tại các địa phương, chị em ngày càng chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm đồng sở thích chăn nuôi, trồng trọt, tạo sản phẩm sạch phục vụ thị trường. Hiện nay, nhiều chi hội đã hình thành các nhóm sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị, mở quầy bán sản phẩm, bảo đảm khép kín từ nuôi trồng cho đến tiêu thụ. Chị em tuyên truyền, vận động lẫn nhau để tiêu thụ sản phẩm làm ra, hỗ trợ nhau phát triển.  

ADQuảng cáo

PV: Bà thấy khoảng cách nhận thức việc tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sạch giữa chị em vùng nông thôn và thành thị có khác nhau không?

Bà Hà Thị Hạnh: Bây giờ chị em có nhiều kênh tiếp cận thông tin và được tuyên truyền nên khoảng cách ngày càng xích lại gần hơn. Thậm chí, chị em ở vùng nông thôn còn có điều kiện tiếp cận thực phẩm sạch nhiều hơn bởi chính họ tự cung tự cấp được. Chị em ở thành thị đa số mua ở ngoài nên không tự chủ. Ai cũng có nhu cầu sử sụng sản phẩm sạch, nên người sản xuất ngày càng nghĩ tới việc sản xuất không chỉ sạch, an toàn sức khỏe cho mình mà còn phải sạch cho cộng đồng. Tình trạng sản xuất “rau 2 luống, nuôi 2 chuồng” đã giảm mạnh.

Năm nay, Hội LHPN tỉnh tập trung tuyên truyền cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ cách sắp xếp sạch trong nhà đến sản xuất phục vụ cho cộng đồng. Cán bộ hội phải đến tận nhà, vào tận bếp, ra tận vườn chỉ cho chị em về cách nấu, chế biến và trồng trọt, chăn nuôi và có sự kiểm tra chéo giữa các gia đình.

Chị em ngày càng nâng cao ý thức sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

PV: Hội tiếp tục định hướng, giúp chị em phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch như thế nào, thưa bà?

Bà Hà Thị Hạnh: Điều đầu tiên vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng các hình thức, chú trọng người thật việc thật, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, các cấp hội tổ chức cho chị em tham quan các mô hình về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch và kiểm tra chéo lẫn nhau để thấy hiệu quả thật sự. Thứ ba, năm nay sẽ triển khai việc thống kê chị em có “nuôi 2 chuồng, trồng 2 luống” nữa không và tiếp tục có giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Thứ tư là từ giữa năm 2018 đến nay, từ tỉnh đến các huyện, xã thiết lập mạng Zalo để thông tin, tuyên truyền về công tác, hoạt động; trong đó có việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch.

Thông qua zalo, chị em giám sát chéo lẫn nhau, chụp ảnh và cung cấp thông tin, địa chỉ cụ thể nên nếu chị nào làm chưa đúng sẽ  nhắc nhở nhau rất thẳng thắn. Những hoạt động này đã giúp mạng lưới công tác hội nắm được thông tin, tăng tính tương tác và kiểm tra lẫn nhau tốt hơn. Khác với trước đây, việc sản xuất của chị em đã và đang hướng tới chất lượng. Sản phẩm không cần nhiều nhưng chất lượng cao thì mới được bao tiêu, bán được giá cao.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã mời một số doanh nghiệp trong nước đến Đắk Nông tham quan các mô hình của phụ nữ sản xuất nông nghiệp sạch và họ rất thích. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đòi hỏi chị em phải có nguồn hàng thường xuyên, số lượng lớn, ổn định để cung cấp cho các cửa hàng trên toàn quốc nhưng mình chưa đủ nguồn cung. Trong khi đó, chị em trong tỉnh còn sản xuất theo mùa vụ, phạm vi hẹp, nhỏ lẻ...Vì vậy, đây là vấn đề mà Hội đang nghiên cứu, tính toán, nhất là phối hợp với các ngành chuyên môn để làm sao giúp chị em trên địa bàn ngày càng phát triển sản xuất, có nguồn sản phẩm lớn, ổn định.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO