Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Nguyễn Lương| 06/03/2017 14:06

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì khó khăn lớn nhất hiện đơn vị đang gặp phải trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là việc triển khai các đề án thí điểm.

ADQuảng cáo

Thực tế, nhiều đề án ATTP được xây dựng khá cụ thể, nhưng trong quá trình triển khai không đạt kế hoạch đề ra. Thậm chí, nhiều đề án khi thời gian triển khai đã hết nhưng khối lượng công việc mới chỉ hoàn thành được hơn một nửa.

Đơn cử như Đề án thí điểm kiểm soát ATTP theo chuỗi sản phẩm chanh dây được xem là nhiệm vụ kinh tế, xã hội cần hoàn thành trong năm 2016. Mục tiêu đề ra là vậy nhưng đến cuối năm, do chưa bố trí đủ nguồn kinh phí nên đơn vị mới thực hiện được khoảng 60% công việc.

Hiện tại, đề án mới chỉ dừng lại ở một số công việc như khảo sát, xác định cơ sở sản xuất, tập huấn quy trình áp dụng chương trình quản lý chất lượng, xây dựng tài liệu về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

ADQuảng cáo

Ngoài ra công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP hiện cũng gặp khá nhiều khó khăn. Bởi vì, lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra của đơn vị rất ít so với số cơ sở hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Điều này dẫn đến tình trạng “bỏ sót” cơ sở sản xuất, kinh doanh là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ thiếu về số lượng mà năng lực của cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP còn hạn chế, nhất là ở tuyến huyện, xã không có cán bộ chuyên trách mà chủ yếu kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Toàn tỉnh mới chỉ có 4 huyện, thị xây dựng kế hoạch tổ chức ký cam kết điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm với 261 cơ sở sản xuất. Con số này chiếm tỷ lệ rất “khiêm tốn” trong tổng số cơ sở sản xuất đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát gặp khó, dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cũng chưa đạt kết quả như mong đợi. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản trên địa bàn vẫn hoạt động theo quy mô nhỏ lẻ nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh gặp khó.

Cũng theo Chi cục Quản lý Nông lâm và Thủy sản, trong năm 2017 sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư trang bị vật chất kỹ thuật và thiết bị, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về chất lượng ATTP.  Kiện toàn lại bộ máy quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tỉnh đến cấp huyện, xã.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của đơn vị, các cấp, ngành cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đặc biệt là ở những khâu có sự đan xen giữa các ngành để tổ chức quản lý chất lượng ATTP một cách chặt chẽ. Công tác phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành ATTP với lực lượng cảnh sát môi trường cần được quan tâm nhiều hơn để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng ATTP.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO