Quảng Phú phát triển nghề "ăn cơm đứng"

Hưng Nguyên| 25/04/2019 09:10

Tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu, người dân trên địa bàn xã Quảng Phú (Krông Nô) đang phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm. Cái nghề mà người ta thường ví phải "ăn cơm đứng" này đang bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

ADQuảng cáo

Người dân xã Quảng Phú (Krông Nô) nâng cao thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm

Trồng dâu, nuôi tằm hơn 10 năm nay, bà Võ Thị Bình, trú tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú vừa có thâm niên, vừa trải qua nhiều "thăng trầm" với nghề. Bà Bình chia sẻ, ông cha thường ví "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" bởi nuôi tằm như "nuôi con mọn", công việc không nặng nhọc nhưng nhiều vất vả vì phải thức khuya dậy sớm. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, kén được giá, có người thu mua và cung cấp giống chất lượng nên người nuôi tằm khấm khá lên.

Gia đình bà Bình có 5 sào trồng dâu. Từ việc tận dụng một khoảng trống trong nhà để nuôi tằm ban đầu, đến nay bà đã đầu tư xây một khu vực riêng với diện tích hơn 50m2 để nuôi tằm. Hiện bà đang chăm sóc hơn 10 nong tằm. Theo tính toán, với số tằm này, sau 15 ngày kể từ thời điểm nhập giống sẽ thu được khoảng 45 kg kén, với giá bán 140 ngàn đồng/kg thì thu được khoảng 6,3 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Dinh, trú tại thôn Phú Hòa có 3 sào dâu. Nhờ trồng giống dâu siêu lá nên bình quân mỗi sào dâu cho thu hoạch từ 1,8 - 2 tấn lá mỗi đợt. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên thu nhập từ nuôi tằm của gia đình cũng vì thế tăng lên. Ông Dinh trồng 3 sào dâu, mỗi năm nuôi được khoảng 14 - 16 đợt tằm, mỗi đợt từ 60 đến 80 kg kén. Với giá kén bán 140 - 180 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông Dinh thu về khoảng 140 triệu đồng trừ chi phí. 

Bên cạnh việc đổi mới kỹ thuật trồng dâu, xã Quảng Phú đã khuyến khích các hộ phát triển sản xuất dâu tằm theo hướng tập trung, giảm số hộ nuôi nhỏ lẻ. Hiện xã đã thành lập được 1 tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm với 37 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích khoảng 20 ha dâu tằm. Tổ hợp tác đã kết nối được với đơn vị cung ứng trứng tằm, kỹ thuật và thu mua sản phẩm kén, tơ cho nông dân trên địa bàn, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất và nâng cao thu nhập.

Một lợi thế của những người trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Phú là hầu hết diện tích trồng dâu đều là diện tích đất tận dụng những vị trí dọc bờ ao, sông, suối, trồng xen trong các loại cây trồng khác.  "Trước đây, nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả, giá thấp, đầu ra sản phẩm không ổn định nên người dân tìm đến những nghề có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay đây lại đang là nghề được nhiều người dân lựa chọn vì cho thu nhập cao và tương đối ổn định so với nhiều loại cây trồng khác" -Ông Dinh chia sẻ.

Người dân xã Quảng Phú bắt đầu phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm từ năm 2015, đến nay toàn xã có khoảng 40 ha dâu. Dâu được người dân trồng theo hình thức trồng xen và trồng thuần. Hiện người dân đang trồng giống dâu siêu lá, năng suất đạt 18 - 21 tấn lá/ha, thay thế cho giống dâu đen năng suất thấp, nhờ đó sản lượng và chất lượng kén cũng được nâng lên. Một lợi thế lớn là tằm có chu kỳ nuôi ngắn, chỉ 15 ngày từ khi nhập giống là người dân có thể xuất bản kén nên suất đầu tư phù hợp với đồng vốn của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Phú phát triển nghề "ăn cơm đứng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO