Rà soát toàn bộ doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phát triển sát thực

Bình Minh| 24/02/2017 10:26

Trước thực trạng số liệu chênh nhau khá lớn về số lượng doanh nghiệp giữa các ngành, tình trạng doanh nghiệp “ảo”, doanh nghiệp “ma” còn nhiều gây không ít khó khăn cho tỉnh trong triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển, Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế năm 2017 tỉnh Đắk Nông) hiện đang tiến hành rà soát nhằm thống kê, đánh giá chính xác nhất cơ cấu doanh nghiệp trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 3.882 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động, trong đó có khoảng 1.916 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 49% số lượng đăng ký. Số còn lại là các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc có đăng ký nhưng thực chất chưa khi nào đi vào hoạt động. Còn theo Cục Thống kê Đắk Nông thì toàn tỉnh trong năm 2016 thực chất chỉ có 1.133 doanh nghiệp hoạt động; trong đó, khu vực kinh tế trong nước có 1.129 doanh nghiệp và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 4 doanh nghiệp. Qua thống kê cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc đăng ký giấy phép nhưng không hoạt động là rất lớn.

Theo ông Vũ Đức Tưởng, Cục trưởng Cục Thống kê, Tổ trưởng Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp tỉnh thì thực trạng cấp phép nhưng chưa quản lý được doanh nghiệp, ngoài tạo thêm gánh nặng cho cơ quan chức năng trong cấp phép, quản lý, thực hiện các chủ trương, chính sách đối với doanh nghiệp, còn gây ra nhiều vấn đề hệ lụy ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn. Vì thế, việc rà soát, thống kê chính xác số lượng doanh nghiệp, năng lực, quy mô hoạt động của doanh nghiệp  trên địa bàn là rất quan trọng hiện nay. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổ rà soát hiện nay đang phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công thương và UBND các huyện, thị xã tiến hành rà soát, thống kê chính xác nhất về tên doanh nghiệp, địa chỉ, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, số lượng doanh nghiệp, quy mô hoạt động, vốn, doanh thu, lợi nhuận, trình độ lao động, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội. Tính đến giữa tháng 2/2017, 8 huyện, thị xã trên địa bàn đã có số liệu thống kê về các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo gửi về Tổ rà soát để tổng hợp. Trong đó, các báo cáo rà soát của các huyện, thị xã đã thể hiện rõ về số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên địa bàn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc đã được cấp phép nhưng thực tế không hoạt động. Ngoài ra, các thông tin khác về doanh nghiệp trong phiếu rà soát, điều tra cũng thể hiện rõ.

ADQuảng cáo

Ông Vũ Đức Tưởng cho biết thêm: "Dự kiến từ nay cho đến hết tháng 2/2017, Tổ rà soát sẽ làm việc, phối hợp với các ngành liên quan để cơ bản hoàn thành những thống kê cơ bản nhất về doanh nghiệp”. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm cung cấp danh sách doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh thực tế tồn tại đến thời điểm 31/12/2016 trên phạm vi toàn tỉnh. Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp với Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông rà soát dang sách doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thuộc doanh nghiệp còn tồn tại. Sở Công thương rà soát, cung cấp danh sách các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở sự phối hợp của các ngành, địa phương, Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp tỉnh sẽ tiến hành đối chiếu, cùng với số liệu của Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính để thống nhất, thống kê được những thông tin chính xác nhất về hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.   

Được biết, công tác rà soát danh sách doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động tổng điều tra kinh tế năm 2017 tỉnh Đắk Nông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc thống kê sát thực số lượng doanh nghiệp, quy mô hoạt động không chỉ giúp cho tỉnh nhận diện, đánh giá một cách sát thực mà còn ban hành kịp thời các chính sách, cũng như quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, tỉnh cũng như các ngành, các cấp nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh để tham mưu hướng hỗ trợ, khắc phục. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì khi phát hiện ra những doanh nghiệp sau đăng ký, nếu đủ thời gian quy định mà vẫn không đi vào hoạt động thì các đơn vị chuyên môn kiên quyết đề xuất để rút giấy phép nhằm từng bước loại dần những doanh nghiệp “ma” tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát toàn bộ doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phát triển sát thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO