Rộ hàng “xách tay” trôi nổi trên thị trường

Lương Nguyên| 22/08/2017 08:37

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện nhiều cửa hàng, trang Facebook cá nhân bày bán hàng “xách tay”. Vấn đề là chính tâm lý sử dụng hàng ngoại, với giá cả ở mức vừa phải là nguyên nhân chính để những mặt hàng “xách tay” có “đất dụng võ”.

ADQuảng cáo

Nhiều mặt hàng… “hút” khách

Dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn Gia Nghĩa như: 23/3, Chu Văn An, Tôn Đức Thắng, nhiều cửa hàng bán đồ “xách tay” được đầu tư, trang trí khá bài bản. Trong những cửa hàng này, nhiều sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người được bày bán như: Sữa, bột ăn dặm, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng của Nhật, Pháp, Mỹ, Anh, Hàn Quốc...

Nhiều sản phẩm sữa "xách tay" có nguồn gốc từ Nhật Bản được bày bán trên thị trường

Qua tìm hiểu, mỗi ngày, những cửa hàng này thu hút khá đông khách vào mua hàng. Ghé vào một cửa hàng chuyên bán hàng “xách tay” từ Nhật Bản trên đường 23/3 (Gia Nghĩa), chúng tôi được bà chủ giới thiệu đủ các loại mặt hàng cho trẻ em từ sữa bột, phomai, dầu gội, sữa tắm đến quần áo. Các mặt hàng được sắp xếp, bày bán như một cửa hàng tạp hóa hạng sang, chỉ khác là hàng hóa toàn chữ Nhật Bản.

Chị V.T.T.H, chủ cửa hàng cho hay: “Bình quân mỗi ngày, cửa hàng có từ 15 đến 20 lượt khách. Hàng hóa lấy về bán cũng rất “chạy”. Có nhiều mặt hàng không đủ cung cấp cho người mua. Cũng may nhà mình có nhiều bà con, bạn bè bên nước ngoài nên “hàng” về thường xuyên”.

Khi được hỏi vì sao cửa hàng lại thu hút khách như vậy, chị V.T.T.H vui vẻ đáp lại: “Hàng “xách tay” có sức hấp dẫn, vì “mác” hàng ngoại, nhưng giá cả nhiều mặt hàng còn rẻ hơn so với hàng nội địa”.

Đang lựa chọn mua hàng tại đây, chị T.N.L, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: Từ nhiều năm nay, tôi vẫn tin dùng sản phẩm sữa của một số nhãn hiệu đến từ Nhật Bản cho con mình. Ngoài ra, tôi còn dùng bỉm, một số loại thuốc chống côn trùng, thuốc ho của các nước châu Âu. Cách để nhận biết chất lượng các loại hàng hóa này chủ yếu dựa vào niềm tin đối với chủ kinh doanh và kiểm tra mã vạch trên bao bì sản phẩm.

Không chỉ xuất hiện ở các cửa hàng, hàng “xách tay” còn được quảng cáo và bán công khai trên các trang facebook cá nhân. Ngoài những mặt hàng như: Sữa, bánh, thực phẩm, mỹ phẩm, gần đây, còn có nhiều trang facebook công khai bán các loại thuốc chữa bệnh có xuất xứ từ Đức, Mỹ, Pháp, Úc, Canada.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, nguồn gốc những loại hàng hóa này được lấy từ đâu thì không ai có thể kiểm soát được. Người bán quảng cáo là hàng xách tay thì người mua chỉ biết đến đó. Bởi vì, tất cả thông tin của sản phẩm đều được in bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Hạn chế trong phát hiện, xử lý

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, kinh doanh hàng “xách tay” chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu. Chiếu theo quy định tại Khoản 7, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật, gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có nhưng không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn đều là hàng nhập lậu.

Quy định vậy nhưng vấn đề là hiện nay, ngoài các mặt hàng xách tay chính hãng, nhiều loại hàng hóa được gắn mác “xách tay” cũng trôi nổi trên thị trường. Thế nhưng, việc phát hiện, xử lý những mặt hàng này lại chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Còn về phía người tiêu dùng, lỡ có phát hiện mình mua phải hàng giả, hàng nhái thì cũng đành “ngậm bò hòn làm ngọt”.

Theo Chi cục quản lý thị trường (Sở Công thương), thị trường hàng “xách tay” hiện nay rất khó kiểm soát. Nguyên nhân là do những “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Nhiều đối tượng bất chính hám lợi, tìm mọi cách “phù phép” hàng giả, hàng nhái thành hàng “xách tay’ để lừa người tiêu dùng. Quan trọng hơn, chính tâm lý “sính ngoại”, chủ quan của người tiêu dùng là yếu tố tiếp tay cho hàng “xách tay”  lẫn lộn trên thị trường.

Thời gian qua, thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh vi phạm. Các lỗi vi phạm thường gặp như: Kinh doanh chưa thực hiện công bố sản phẩm, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Tuy nhiên, so với thực trạng buôn bán hiện nay, công tác xử lý, phát hiện của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Mối liên kết giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện hàng giả “đội lốt” hàng xách tay còn chưa đồng bộ, khiến hiệu quả chưa thực sự cao. Để hạn chế tình trạng này, trong thời gian tới, lực lượng thị trường tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt công tác quản lý, tăng cường các đợt kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở này, đơn vị sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trong khi chờ đợi sự chủ động trong kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng thì sự thông thái của người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Có như thế, mọi người mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cũng như hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái có “đất sống” trên thị trường.

Hàng xách tay là những mặt hàng công ty hay hàng chính hãng do những cá nhân nào đó mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam qua đường hàng không hoặc đường tiểu ngạch. Vì không phải chịu thuế, không phải qua khâu trung gian nên các loại hàng xách tay thường có mức giá rẻ hơn nhiều so với hàng nhập khẩu chính ngạch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộ hàng “xách tay” trôi nổi trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO