Sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Đức Cơ, Gia Lai

Trường Thịnh (t.h)| 26/07/2017 08:53

Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác thiếu hợp lý, bảo đảm tính bền vững trong sản xuất, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã triển khai mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô.

ADQuảng cáo

Chị Lương Thị Thanh Huyền kiểm tra chất lượng giống hồ tiêu nuôi cấy mô

Những năm qua, diện tích hồ tiêu trồng tự phát trên địa bàn huyện Đức Cơ không ngừng gia tăng. Hiện tổng diện tích hồ tiêu của huyện khoảng 600 ha. Tuy nhiên, người trồng hồ tiêu chủ yếu sử dụng dây lươn và dây chính chưa được kiểm soát nguồn gốc, sâu bệnh ký sinh để làm giống nên khi trồng cây dễ bị nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao làm thiệt hại về kinh tế.

Trước thực tế trên, huyện Đức Cơ đã triển khai mô hình sản xuất giống hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô. Theo đó, huyện triển khai 15 mô hình với tổng diện tích 2,5 ha tại các xã: Ia Dom, Ia Din, Ia Nan, Ia Krêl và thị trấn Chư Ty. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1 tỷ đồng (nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh 335 triệu đồng, người dân đóng góp hơn 709 triệu đồng). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây hồ tiêu nuôi cấy mô, cây trụ sống và công kỹ thuật; hỗ trợ 50% kinh phí mua các loại nấm, men vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân hóa học. Người dân tham gia dự án đối ứng 100% kinh phí làm trụ bê tông, mua phân chuồng, trả công lao động.    

ADQuảng cáo

Dẫn chúng tôi đi tham quan những vườn hồ tiêu vừa trồng sử dụng giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, chị Lương Thị Thanh Huyền - Chủ nhiệm đề án, cho biết: Đây là một dự án mang tính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Việc sử dụng nguồn giống hồ tiêu sạch bệnh được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật có ưu điểm vượt trội so với những giống được ươm bằng dây lươn và dây chính như cây giống có bộ rễ khỏe mạnh, hoàn chỉnh, cây có sức sống mạnh, có khả năng đề kháng tốt với dịch bệnh nguy hiểm, chất lượng cây giống đồng đều, kéo dài tuổi thọ cho cây...

Còn gia đình chị Ngô Thị Lĩnh (làng Ia Khop, xã Ia Krêl), một trong 15 hộ tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 400 trụ tiêu được trồng bằng dây lươn ươm nên tỷ lệ sống không cao, phải trồng dặm vài lần mới hoàn thiện được. Vừa rồi, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ để tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 sào (khoảng 360 trụ), tôi thấy cây giống phát triển rất tốt do bộ rễ rất khỏe, tỷ lệ sống đạt gần 100%. Cây hồ tiêu phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao, giúp gia đình phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Tư - Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đức Cơ, cho biết thêm: Sản xuất cây giống hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô là sử dụng những mô được lấy từ những cây mẹ ngoài tự nhiên có khả năng kháng bệnh, năng suất cao. Với phương pháp này sẽ tạo ra hàng loạt cây giống giữ nguyên bản chất di truyền và năng suất của cây mẹ. Áp dụng mô hình này sẽ giúp người dân giảm tỷ lệ cây chết khi xuống giống khoảng 20% so với giống thông thường; giảm tỷ lệ sâu bệnh hại; cây phát triển đồng đều. Mô hình này sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức từ việc sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc sang sử dụng giống có chất lượng cao hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Đức Cơ, Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO