Sản xuất hồ tiêu hữu cơ ở Ðắk R’moan

Thanh Nga| 24/08/2022 08:43

Xã Đắk R’moan nằm ở phía Nam TP. Gia Nghĩa, phần lớn hộ dân sinh sống bằng nghề nông. Để khai thác những lợi thế của địa phương, trong những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đã chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân phát triển, sản xuất hồ tiêu hữu cơ hiệu quả, bền vững.

ADQuảng cáo

Thành lập từ năm 2017, HTX hiện đã thu hút được 112 thành viên và thành viên liên kết trồng 255 ha hồ tiêu, cà phê. Sau khi được thành lập, HTX đã áp dụng mô hình canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Hiện nay, HTX có 45 ha hồ tiêu, trong đó 32 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, organic.

Anh Lê Văn Hưng, ở bon Đắk R’moan là một trong những hộ đầu tiên của HTX tham gia trồng hồ tiêu hữu cơ. Gia đình có hơn 1.100 trụ tiêu hữu cơ, tương đương 1 ha.

Anh Hưng chia sẻ: "Trồng hồ tiêu hữu cơ khó nhưng tôi vẫn chọn vì năng suất ổn định và vườn cây cho thu hoạch lâu dài, bền vững hơn nhiều so với chăm sóc truyền thống. Hiện tại, vườn hồ tiêu của gia đình đã trồng 13 năm, năng suất thường đạt trên 3 tấn/năm. Hồ tiêu hữu cơ được HTX mua với giá cao hơn so với thị trường. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng từ vườn hồ tiêu".

Vườn hồ tiêu hữu cơ của anh Lê Văn Hưng ở bon Đắk R’moan luôn xanh tốt quanh năm

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, các thành viên của HTX đã dần thích nghi với cách chăm sóc mới. Theo anh Hưng, chăm sóc hồ tiêu hữu cơ khác hơn nhiều so với chăm sóc hóa học. Bà con chỉ sử dụng phân bón vi sinh vật, phân bón hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe, sản phẩm sạch, an toàn, giá trị cao hơn nhiều.

Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Tân Hiệp có hơn 1 ha trồng hồ tiêu hữu cơ. Sau khi áp dụng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, anh Sơn nhận thấy hiệu quả và giá trị mang lại cao hơn nhiều so với sản xuất theo truyền thống trước đây. “Sản xuất hồ tiêu hữu cơ không chỉ mang lại giá trị sản phẩm cao hơn, mà còn tạo ra môi trường lao động trong lành, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi sẽ không áp dụng cách làm như trước đây nữa”, anh Sơn khẳng định.

ADQuảng cáo

Để nông dân Đắk R’moan thay đổi cách làm là cả quá trình tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con bỏ cách trồng truyền thống sang trồng hồ tiêu hữu cơ như hiện nay.

Đoàn khảo sát của tỉnh tìm hiểu về sản phẩm hồ tiêu của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông

Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, Đắk R’moan có lợi thế trồng hồ tiêu. Từ thực tế sản xuất, nông dân thường bị ép giá do sản phẩm không sản xuất theo các tiêu chuẩn. Vì thế, HTX đã tìm hiểu thị trường, kỹ thuật và vận động nông dân liên kết cùng trồng hồ tiêu hữu cơ.

HTX luôn quan tâm mở rộng thị trường, tìm đầu ra tốt hơn cho sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để vận động, thuyết phục nông dân tham gia trồng hồ tiêu hữu cơ.

Sau khi vận động bà con đồng ý tham gia, liên kết sản xuất, HTX đã tổ chức, hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật canh tác. HTX đã chủ động liên kết với các công ty xuất khẩu hồ tiêu hữu cơ sang Nhật Bản, Mỹ và các nước thuộc châu Âu, đồng thời, quan tâm, đầu tư chế biến tiêu khô NAFA phục vụ thị trường trong nước.

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho biết: Tập hợp nông dân và lựa chọn phát triển hồ tiêu hữu cơ đang là hướng đi đúng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông. Với cách làm này, HTX đã và đang khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt phát triển đúng định hướng của Liên minh HTX tỉnh.

Theo lộ trình, thời gian tới, không chỉ phát triển bền vững đối với cây tiêu, HTX còn hướng tới sản xuất hữu cơ đối với các loại cây trồng khác như cà phê, trái cây… để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho xã viên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất hồ tiêu hữu cơ ở Ðắk R’moan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO