Sản xuất theo chuỗi giá trị gắn chuyển đổi số

Thanh Nga| 17/08/2022 09:22

Liên kết chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số là giải pháp tăng giá trị nông sản và đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

ADQuảng cáo

Các hợp tác xã (HTX) đã và đang chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có 28 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Các HTX bước đầu ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, quản lý.

HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) liên kết với thành viên trồng khoảng 300 ha cà phê theo tiêu chuẩn Fair Trade. Hàng năm, HTX chế biến và xuất khẩu khoảng 200 tấn cà phê nhân xô và 5 tấn cà phê bột.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An chia sẻ: Chúng tôi xác định rõ tầm quan trọng của sản xuất theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, đem lại lợi nhuận cho người trồng và phát triển HTX. Năm 2014, HTX đã xây dựng được nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao tại xã Thuận An và đang tiếp tục đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm. Hiện tại, HTX đang ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sàn thương mại điện tử… để mở rộng kinh doanh.

Chuyển đổi số là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả về kinh doanh, quản lý và tạo ra giá trị mới cho sản phẩm. Chuyển đổi số gồm các hoạt động như số hóa dữ liệu, tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình về nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh…

Mỗi năm, trang trại gần 20 ha hồ tiêu hữu cơ của ông Đào Văn Nga, thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) thu về khoảng 5 tỷ đồng

ADQuảng cáo

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông khẳng định: "Chuyển đổi số là yêu cầu và cũng là nhu cầu để HTX phát triển bền vững, hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng tốt, hiện đại, thích ứng với thời đại 4.0". Cũng theo ông Thám, nông sản đã được sản xuất theo chuỗi giá trị, tức là đã được chứng nhận chất lượng tốt và gắn với chuyển đổi số, chắc chắn kinh doanh sẽ hiệu quả hơn. Bởi vì, chuyển đổi số giúp HTX, doanh nghiệp tiếp cận, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.

Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Quyết định cũng đặt ra là tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững với tỷ lệ giá trị nông sản đạt hơn 30%. Trước đó, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng kinh tế số trong nông nghiệp đạt tối thiểu 10%.

HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song) đã áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện sản phẩm hồ tiêu của HTX đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, trên cơ sở các kế hoạch của tỉnh về thực hiện các quyết định nói trên của Thủ tướng, các HTX của Đắk Nông đã và đang chú trọng đầu tư tham gia các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng website… và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các khâu quan trọng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để phục vụ rộng rãi thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trình độ quản lý, năng lực của nhiều HTX còn những hạn chế nên các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ HTX sản xuất theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số.

"Các HTX cần áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị và chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu cung ứng, sản xuất đến tiêu thụ", ông Ngô Xuân Đông nhấn mạnh thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất theo chuỗi giá trị gắn chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO