Sản xuất vụ đông xuân 2018 – 2019 ở Krông Nô: Chuyển đổi cây trồng gắn với sản xuất hàng hóa

Bài, ảnh: Văn Tâm| 22/01/2019 09:11

Vào thời điểm này, các cánh đồng trên địa bàn huyện Krông Nô, nông dân đang tập trung xuống giống vụ đông xuân năm 2018 – 2019. Trước những biến đổi bất thường của thời tiết, yêu cầu ngày càng cao của thị trường nông sản, ngành Nông nghiệp huyện và nông dân đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Buôn Choáh chuẩn bị đất sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng mẫu VietGAP”

Vụ đông xuân này, gia đình ông Mẻ Văn Hồng, ở thôn Ninh Giang gieo sạ được 2 ha lúa và 1 ha khoai lang. Ông Hồng cho biết: “Để tiến hành xuống giống đạt hiệu quả, gia đình tôi đã tuân thủ tất cả các quy trình sản xuất từ khâu làm đất đến xuất giống theo tiêu chuẩn VietGAP của ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn. Do đó, ngay từ đầu vụ, việc xuống giống của gia đình khá thuận lợi”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hậu, ở thôn Thanh Sơn, vụ này tập trung gieo sạ 7 sào lúa. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ này, gia đình ông Hậu cũng chọn tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, khi bắt tay vào sản xuất, ông Hậu đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ do ngành Nông nghiệp huyện tổ chức.

Ông Hậu cho biết: “Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị làm đất khá sớm để bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Vụ này tôi chọn giống lúa thơm RVT nhằm bảo đảm năng suất, đầu ra cho lúa thương phẩm tốt hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, vụ đông xuân này, toàn xã gieo trồng hơn 950 ha cây trồng các loại, trong đó, cây lúa là 537 ha, ngô 345 ha, khoai lang 35 ha… Để vụ đông xuân năm nay đạt kết quả trên cả 3 mặt là diện tích, năng suất, chất lượng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch gieo trồng nhằm giúp nông dân tiến hành xử lý nhanh gọn khâu làm đất, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, không khí sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn xã mỗi năm một khởi sắc hơn.

ADQuảng cáo

Tương tự, tại xã Nâm N’đir, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp địa phương đã lựa chọn các giống cây trồng phù hợp và hướng dẫn bà con chuyển đổi nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Điển hình, gia đình bà Nông Thị Tình, một hộ dân trong xã chuyển đổi hơn 7 sào đất ruộng sang trồng ngô và khoai lang.

Theo bà Tình thì những năm qua, việc trồng lúa trên chân ruộng bán ngập, dễ gặp khô hạn cuối vụ nên hiệu quả không cao. Do vậy, khi chuyển sang trồng ngô, khoai có thể chủ động được nước tưới nên thu nhập khá hơn.

Còn gia đình bà Lê Thị Luận thì chuyển diện tích trồng lúa sang trồng bí và đạt được hiệu quả cao. Bà Luận cho hay: “Cây bí rất phù hợp với đồng đất ở đây. Có thời điểm, giá mua tại ruộng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, với năng suất trung bình đạt từ 1,5- 2 tấn/1 sào, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 12 triệu đồng/sào”. Ngoài thu hoạch quả, người dân còn tận dụng được ngọn và hoa bí để bán làm rau. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm không phải lo vì có các doanh nghiệp liên kết hợp đồng thu mua sản phẩm cho bà con.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Krông Nô xây dựng kế hoạch gieo trồng 4.505 ha cây trồng các loại, tăng hơn năm ngoái trên 200 ha. Trong đó, diện tích lúa là 1.894 ha, ngô 1.664 ha, khoai lang 582 ha, bí đỏ 88 ha… Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên đến thời điểm này, nông dân đã xuống giống đạt trên 70% diện tích đề ra. Tại hầu hết các xã, diện tích cây trồng vừa xuống giống đều sinh trưởng khá tốt.

Hiện nay, trước tình hình của biến đổi khí hậu và sản xuất theo hướng hàng hóa nên không riêng gì xã Nâm N’đir mà ở các xã Đắk D’rô, Buôn Choáh, Đức Xuyên… nông dân đều thực hiện chuyển đổi giống cây trồng. Trong đó, nhiều giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như bí, khoai lang, ngô biến đổi gen, cây ăn trái… được bà con trồng và đang dần hình thành những vùng chuyên canh các sản phẩm nông sản chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng tiêu thụ của đối tác.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì việc thực hiện giải pháp chuyển đổi giống cây trồng tại địa phương mấy năm nay đã mang lại những kết quả tích cực. Việc chuyển đổi một số diện tích đất xa công trình thủy lợi, chi phí tưới tăng cao sang cây trồng cạn giúp nông dân hạn chế thiệt hại, cải thiện thu nhập. Trong thời gian qua, việc chuyển đổi sang cây trồng mới được bà con liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất các giống cây, củ, quả phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm tránh các rủi ro trong từng thời vụ. Bên cạnh đó, ngoài sự chủ động của các nông hộ, huyện còn thành lập, tổ chức các nhóm sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng các mô hình sản xuất, các cánh đồng mẫu để giúp nông dân phát triển sản xuất. Việc tổ chức sản xuất này nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn và bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất vụ đông xuân 2018 – 2019 ở Krông Nô: Chuyển đổi cây trồng gắn với sản xuất hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO