Sát cánh cùng hội viên, nông dân

Hoàng Hoài| 13/10/2016 10:48

Từ đầu năm 2016 đến nay, hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chú trọng thực hiện, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Văn Xá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì để đồng hành cùng hội viên trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế thì các cấp hội tập trung vào việc triển khai dự án, mô hình cây, con mới, hỗ trợ vốn, vật tư phân bón. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội đã triển khai thực hiện Dự án thử nghiệm mô hình trồng 4.000 cây chùm ngây cho 20 hộ dân tại xã Quảng Tâm (Tuy Đức) với diện tích 1 ha.

Đến nay, các hộ đã thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Cây chùm ngây được xem là một trong những loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, rất được ưa chuộng và lợi nhuận cũng cao.

Ông Nguyễn Văn Giới (bên phải) thành viên Tổ hợp tác trồng rau ở bon U3, thị trấn Ea T'ling (Chư Jút) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây sâm sâm với hội viên

Toàn tỉnh cũng đã triển khai xây dựng 8 mô hình bơ ghép xen canh cà phê tại 4 huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Krông Nô và mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học tại xã Đắk Som (Đắk Glong). Đến nay, các cấp hội đã cấp 1.024 cây bơ giống, phân bón và 10 con heo giống, cám và thuốc thú y cho các hộ thực hiện mô hình. Qua kiểm tra mới đây thì các hộ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây trồng, vật nuôi đang phát triển tốt.

Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Công ty TNHH Enzyma và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai thử nghiệm 3 ha hồ tiêu sử dụng chế phẩm sinh học Biowish để ngăn ngừa bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, cà phê và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tuy mới bước đầu thử nghiệm, song cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt và ít bị bệnh hơn mô hình đối chứng.

Ngoài ra, 20 hộ trồng cà phê cũng được tiếp tục chọn để triển khai xây dựng mô hình thử nghiệm giai đoạn 2. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Enzyma tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho những hộ đã chọn để triển khai sử dụng chế phẩm trong thời gian tới.

Riêng đối với dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tại huyện Đắk Song vẫn tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh và Sở Nông nghiệp - PTNT chú trọng thực hiện, nâng cao chất lượng. Đến nay, Ban Quản lý dự án đã thực hiện kỹ thuật phối giống cho 931 bò cái nền và những con bò cái nói trên đã sinh sản được 286 bê con. Việc đưa vào triển khai thực hiện các mô hình cây, con mới thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã góp phần mở ra một hướng đi mới cho hội viên, nông dân.

ADQuảng cáo

Về hoạt động tư vấn, dạy nghề, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cho 120 cán bộ, hội viên nông dân của 8 huyện, thị xã. Các cấp hội còn phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng tổ chức 297 lớp tập huấn về kiến thức bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp... với 15.170 lượt người tham dự.

Các tổ chức hội cơ sở cũng có nhiều hoạt động trợ giúp hội viên. Hội Nông dân huyện Krông Nô phối hợp với các công ty tổ chức được 151 cuộc hội thảo về chăm sóc cây cà phê, tiêu, ngô, lúa, ủ phân vi sinh... thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia.

Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở các xã Đắk D’rô, Buôn Choáh (Krông Nô) thì giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn về lương thực, thực phẩm 407 triệu đồng và hơn 1.483 ngày công. Hội Nông dân huyện Đắk R’lấp thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập 1 hợp tác xã trồng trọt ở xã Nhân Đạo, 2 câu lạc bộ phát triển kinh tế tại thị trấn Kiến Đức, xã Nhân Đạo và 1 tổ hợp tác ở xã Đắk Wer…

Với sự hỗ trợ của Hội nông dân, Tổ hợp tác trồng rau ở thị trấn Ea T'ling (Chư Jút) làm ăn ngày càng hiệu quả

Về hoạt động hỗ trợ vật tư, phân bón, các cấp hội phối hợp với các công ty triển khai cung ứng cho hội viên, nông dân 3.729 tấn phân bón theo hình thức mua trả chậm. Hội Nông dân tỉnh còn hợp tác với Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ sinh học An Thái, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Tiệp để triển khai mua 66 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân các huyện Chư Jút, Tuy Đức, Đắk Song.

Vốn cũng là một trong những hoạt động được các cấp hội chú trọng thực hiện nhằm tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có nguồn lực phát triển sản xuất. Hiện tại, Hội nông dân các cấp đang nhận ủy thác, giúp 17.190 hộ hội viên, nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, với tổng dư nợ trên 536 tỷ đồng.

Riêng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng đạt trên 24,8 tỷ đồng, thực sự góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi là con em hội viên, nông dân.

Điển hình như Dự án cải tạo nâng cấp vườn cà phê thực hiện tại xã Thuận An (Đắk Mil); chăn nuôi bò ở xã Đắk Sôr (Krông Nô); chăn nuôi bò lai sinh sản tại xã Quảng Trực (Tuy Đức)... Qua tham gia dự án, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sát cánh cùng hội viên, nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO