Sát cánh cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế

Hoàng Hoài| 07/03/2019 09:30

Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực. Đây cũng là động lực để cán bộ, hội viên, nông dân đoàn kết, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua giúp nhau thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) với mô hình trồng nấm linh chi đỏ hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hồ Mai

Nhiều hình thức hỗ trợ

Để đồng hành trong phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, các cấp hội nông dân đã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, nhất là dân tộc thiểu số chủ động, tích cực trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống mới hiệu quả cao vào sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.

Cùng với việc phối hợp với các chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác trên 655,7 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển sản xuất, các cấp hội còn cung ứng trên 1.935 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm cho hội viên.

Đối với những hội viên, nông dân có nhu cầu học nghề, đào tạo việc làm, các cấp hội phối hợp mở 27 lớp dạy nghề cho 825 học viên về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Việc phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng cho hội viên, nông dân cũng được chú trọng.

Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ nông dân cũng ngày càng phát huy được hiệu quả, là một trong những “điểm tựa” để nông dân vươn lên thoát nghèo. Đến nay, nguồn quỹ đã đạt trên 34 tỷ đồng và được triển khai tại 8 huyện, thị xã. Kết quả kiểm tra cuối năm 2018 cho thấy, hầu hết hội viên, nông dân đều sử dụng nguồn vốn vay, Quỹ hỗ trợ nông dân đúng mục đích và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Tăng cường hoạt động phối hợp

Trong các hoạt động đồng hành cùng hội viên, nông dân về phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững thì công tác phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các sở, ban ngành cũng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cấp 32 con bò đực giống Brahman đỏ nhập từ Australia cho 32 hộ dân để tiến hành lai tạo với bò cái tại huyện Đắk Song.

ADQuảng cáo

Trong quá trình thực hiện dự án, Hội còn phối hợp với Trạm thú y huyện tổ chức tốt khâu chăm sóc và phòng trừ bệnh, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra nên đàn bò phát triển tốt. Đến nay, toàn huyện Đắk Song đã phối giống cho 2.000 con bò cái nền địa phương, sinh sản được 920 bê lai.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát, triển khai các mô hình như trồng thử nghiệm 1 ha cây Sachi in cho cho ông Phạm Văn Khang tại thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) với kinh phí 286 triệu đồng; hướng dẫn thành lập Hợp tác xã trồng và chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 100 ha cho 43 hộ dân tại xã Đắk Gằn (Đắk Mil); tập huấn, hỗ trợ mô hình hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm xoài bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với kinh phí 261 triệu đồng.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể và thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác cho 280 cán bộ, hội viên, nông dân tại huyện Đắk Mil và Cư Jút; hướng dẫn phát triển sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại gắn với tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2018, các cấp hội đã vận động xây dựng được 30 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả…

Thúc đẩy các phong trào thi đua

Với việc triển khai nhiều giải pháp đã góp phần gắn kết hội viên, nông dân với tổ chức Hội, ra sức thi đua vì sự phát triển chung của địa phương. Năm 2018, toàn hội có 31.556 hội viên, nông dân đăng ký thì, trong đó có 15.308 hộ được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đơn cử như ông Phạm Văn Khang ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) với 45 ha đất trồng hồ tiêu, cao su, bơ, khoai lang, sầu riêng… Bằng việc chăm chỉ, kiên trì, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa canh đa cây, hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động địa phương và giúp đỡ có hiệu quả cho 50 hộ khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật.

Tương tự, vượt qua những biến cố trong cuộc sống, bà Nguyễn Thị Hằng ở bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đã vươn lên làm giàu từ trồng cây công nghiệp cà phê, cao su, kết hợp kinh doanh nông sản, phân bón, mỗi năm thu nhập trên 2,5 tỷ đồng. Bà Hằng không chỉ tạo việc làm cho 20 lao động mà còn thường xuyên hỗ lương thực, thực phẩm, tivi… cho nhiều hộ dân tộc thiểu số khó khăn tại chỗ.

Từ 12 ha đất trồng cà phê, dâu nuôi tằm, cá, bằng sự chăm chỉ, tích cực, ông Nguyễn Quang Trịnh ở thôn 10, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đã có thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Quảng, thôn Đức Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil) với mô hình đa cây cũng đem lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương…

Không chỉ trong phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 12,9 tỷ đồng, hàng chục ngàn ngày công để sửa chữa 149 km đường giao thông, tu sửa 45 km kênh mương nội đồng, kiên cố hóa 38 cầu cống…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sát cánh cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO