Sự cần thiết về thay đổi cơ cấu giống lúa

Văn Tâm| 05/03/2018 10:32

Trước yêu cầu từ thực tế sản xuất, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa các giống lúa mới vào khảo nghiệm, nhân rộng, giúp cho việc thay đổi cơ cấu giống ở các vùng trồng lúa có nhiều chuyển biến tích cực, đem lại những kết quả khả quan.

ADQuảng cáo

Giống lúa lai TH3 – 3 đưa vào sản xuất đại trà tại xã Đắk R’tíh đạt trên 8 tấn/ha

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 346.748 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 12.298 ha đất trồng lúa nước, năng suất trung bình đạt 5,35 tấn/ha. Tuy nhiên, những năm qua, sản xuất lúa của tỉnh vẫn còn thiếu tính ổn định, trong khi tình hình thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát và có chiều hướng gia tăng cả về diện tích, mức độ gây hại.

Bên cạnh đó, việc nông dân chọn giống bị thoái hóa, giống kém chất lượng cũng ảnh hưởng tới năng suất và khả năng kháng bệnh của cây lúa. Do đó, theo định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh thì việc thay đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm tăng năng suất và sản lượng cũng như bảo đảm cân bằng sinh thái trên đồng ruộng là biện pháp hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, hằng năm ngành Nông nghiệp tỉnh, trong đó chủ công là Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất về các địa phương. Trong quá trình thực hiện mô hình khảo nghiệm, các cán bộ chuyên môn đã trực tiếp hướng dẫn người nông dân trồng và thâm canh cây lúa theo hướng bền vững, nhằm góp phần giảm thiểu sự rủi ro trong nông nghiệp.

Thông qua mô hình sẽ chọn ra được những giống mới đạt năng suất và chất lượng cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần đa dạng bộ giống của tỉnh. Từ đó, từng bước thay thế một số giống địa phương có năng suất và chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém và hiệu quả kinh tế thấp.

Cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Chư Jút đi kiểm tra mô hình lúa Quy ưu 1 tại xã Chư K’nia

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức phối hợp với Trạm Khuyến nông thực hiện mô hình sản xuất giống lúa lai Quy ưu 1 trên địa bàn 3 xã Quảng Tân, Đắk R’tíh và Quảng Trực với 3 hộ tham gia, quy mô 1.000 m2/hộ.

Gia đình ông Ngô Duy Thỏa, thôn 3, xã Quảng Tân là một trong những hộ thực hiện mô hình mang lại kết quả cao. Theo ông Thỏa, sau hơn 4 tháng gieo trồng, giống lúa lai Quy ưu 1 là giống lúa tốt, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với các giống lúa lai đang được gieo trồng tại địa phương như: dễ chăm sóc, lượng phân bón ít, thân lúa cứng, khó đỗ ngã, hạt ít rụng, thích hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương.

Ông Thỏa cho biết: Qua thực tế sản xuất, tôi thấy giống lúa Quy ưu 1 có khả năng chống chịu bệnh khá tốt, nhất là rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông thường xảy ra trong vụ đông xuân. Nhờ khả năng đó, với 1.000m2 mô hình đã cho thu khoảng 9 tạ lúa khô, cao hơn 3 – 3,5 tạ so với các giống lúa lai khác mà tôi trồng ở các vụ trước.

Ngoài một số giống lúa mới đã nêu, thời gian qua, nhiều nông dân cũng đã thành công với chuyển đổi cơ cấu giống lúa đạt hiệu quả kinh tế, cho năng suất, chất lượng cao như: lúa lai TH3 – 3, VT404, Tej Vàng; lúa thuần thơm RVT, PC6…

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 80% diện tích gieo trồng các giống lúa lai mới. Các hộ trồng lúa trên địa bàn đã thay đổi phương thức canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững như áp dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng” (ICM) “1 phải, 5 giảm”...; qua đó, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho mặt hàng lúa gạo thương phẩm của tỉnh vươn ra bên ngoài.

Tương tự, cũng trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng thâm canh lúa thuần Đài thơm 8 ở 6 mô hình, với quy mô 12 ha tại 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, 51 hộ tham gia. Tổng kinh phí đầu tư cho 6 mô hình là hơn 119 triệu đồng. Qua đánh giá tại hội thảo đầu bờ, lúa Đài thơm 8 đạt tiêu chí về năng suất, khả năng kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, chất lượng sản phẩm hạt gạo thon dài, cơm dẻo.

Tại 6 mô hình khảo nghiệm, giống lúa Đài thơm 8 đều cho năng suất đạt trung bình 6,82 tấn/ha. Với giá bán hiện tại là 6.000 - 7.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình thu được là 21 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng lúa đối chứng từ 3 – 4 triệu đồng/1ha.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự cần thiết về thay đổi cơ cấu giống lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO