Tái canh cà phê: Cần sự linh động vào cuộc của các đơn vị và người dân

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 28/11/2018 09:39

Nếu như năm 2017, toàn tỉnh Đắk Nông cơ bản hoàn thành diện tích tái canh cây cà phê theo kế hoạch đề ra thì sang năm 2018, diện tích cà phê tái canh toàn tỉnh đạt thấp do nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc để tuyên truyền, bố trí nguồn lực triển khai chương trình này.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, trong năm 2018, toàn tỉnh đưa ra mục tiêu tái canh 2.196,94 ha cà phê. Tuy nhiên, đến hết mùa tái canh năm 2018, tổng diện tích tái canh toàn tỉnh chỉ đạt 1.843 ha, trong đó trồng mới 1.630 ha, đạt 74,19 %, ghép cải tạo là 213 ha, đạt 18,48%.

Nông dân thôn 1, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) chăm sóc cà phê sau tái canh

Vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại

Để đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, trong giai đoạn 2012 - 2015, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã hỗ trợ cho toàn tỉnh 3.000 kg hạt giống gieo ươm và 48.000 cây giống cà phê TRS1. Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã kết hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức sản xuất và hỗ trợ kinh phí cây giống gồm giống thực sinh, giống ghép cung cấp cho nông dân với tổng số 1.549.884 cây giống.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016-2020, việc hỗ trợ giống từ các đơn vị này không còn mà phụ thuộc vào sự linh động của từng địa phương. Trên cơ sở đó, trong năm 2018, hai địa phương là thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk R'lấp đã chủ động bố trí ngân sách sự nghiệp nông nghiệp để mua giống, gieo ươm để cung cấp cho người dân tái canh cây cà phê.

Cụ thể, huyện Đắk R’lấp đã gieo ươm 150 kg hạt giống TRS1, cấp phát 165.000 cây cà phê đạt tiêu chuẩn cho người dân. Kết thúc niên vụ trồng cà phê năm 2018, toàn huyện trồng  được 377 ha, đạt gần 64% kế hoạch trồng mới.

Tương tự, thị xã Gia Nghĩa gieo ươm và cấp phát miễn phí 50.000 cây giống đạt tiêu chuẩn cho người dân. Đến nay, chỉ tính riêng diện tích trồng mới, trong năm nay, toàn thị xã xuống giống được 149 ha, đạt trên 80% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 2 địa phương trong toàn tỉnh có diện tích cà phê tái canh lớn nhất trong năm nay, các địa phương còn lại đa phần đều có diện tích cà phê tái canh đạt rất thấp. Điển hình như Tuy Đức chỉ trồng mới được 28 ha, đạt gần 16%; ghép cải tạo được 4,5 ha, đạt hơn 10% so với kế hoạch. Đắk Glong cũng chỉ trồng mới được 32 ha, đạt hơn 59%, ghép cải tạo 21,5 ha, đạt  gần  16% so với kế hoạch.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, việc không được hỗ trợ giống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tái canh năm nay đạt thấp. Bởi vì vẫn còn nhiều địa phương và một bộ phận nhân dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ các phía mà thiếu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình tái canh vườn cà phê cho gia đình mình. Bên cạnh đó, nhiều địa phương hiện vẫn chưa thực sự quan tâm trong xây dựng phương án, triển khai lộ trình, kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn quản lý. Từ đây, việc bố trí nguồn lực nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân tái canh cà phê chưa được quan tâm.

Ngày 8/1/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai phương án tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phấn đấu tái canh hơn 22.099 ha theo 2 hình thức gồm: Trồng tái canh hơn 13.369 ha và ghép cải tạo hơn 8.729 ha. Mục đích của kế hoạch là tập trung cải tạo, tái canh, trồng mới thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng bằng các giống cà phê cao sản với năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng huyện, thị xã.

Nhiều vướng mắc chậm được khắc phục

Cùng với nguyên nhân trên, việc tái canh cà phê năm 2018 không đạt kế hoạch còn do nhiều vướng mắc về tiếp cận vốn, quy hoạch vùng chuyên canh, cây giống... vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Trên thực tế, ngoài diện tích cà phê trồng mới, hầu hết diện tích cà phê ghép cải tạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do người dân tự triển khai thực hiện, chưa có sự hỗ trợ về kỹ thuật, mầm ghép đạt chuẩn nên chất lượng không đồng đều.

Bên cạnh đó, mặc dù nguồn vốn cho vay tái canh cà phê khá lớn nhưng người dân rất khó tiếp cận vì quy trình thủ tục khá khắt khe. Chẳng hạn như cà phê tái canh phải nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh nhưng hiện quy hoạch vùng cà phê vẫn chưa rõ ràng. Trường hợp tiếp cận được nguồn vốn thì tiến độ giải ngân chậm, theo từng đợt, trong khi người dân cần nguồn vốn lớn để chủ động phát triển sản xuất nên nhiều người chưa "mặn mà" với chương trình cho vay vốn tái canh, đặc biệt các hộ dân có diện tích cà phê dưới 1 ha. Đó là chưa kể đến việc đa số diện tích tái canh đều thuộc những hộ canh tác độc canh cây cà phê nên họ chưa mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê cũ để thực hiện tái canh do liên quan đến thu nhập.

Ngoài ra, việc nông dân khi triển khai tái canh chưa thực hiện đúng với quy trình tái canh được khuyến cáo mà chủ yếu làm theo kinh nghiệm, dẫn đến tỷ lệ diện tích tái canh thành công không cao. Không ít diện tích tái canh có hiện tượng cây bị vàng lá, sinh trưởng phát triển kém nên khó tạo được sự bứt phá về diện tích trồng mới, ghép cải tạo.

Về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, thực tế tái canh cà phê năm 2018 đang đặt ra cho ngành Nông nghiệp, các địa phương một vấn đề đó là quan trọng và quyết định vẫn là nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì vậy, thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hội thảo để phổ biến quy trình tái canh đạt hiệu quả sẽ được các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở đẩy mạnh. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch chung đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tái canh hơn 22.099 ha thì cần sự linh động hơn nữa của các địa phương, ngành chức năng, ngân hàng thương mại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái canh cà phê: Cần sự linh động vào cuộc của các đơn vị và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO