Tái canh cà phê - Cần sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ (kỳ 2): Thách thức về chất lượng cây giống

Hồng Thoan| 23/02/2017 10:49

Cây giống có chất lượng được coi là vấn đề có tính đột phá đối với quá trình nâng cao hiệu quả canh tác cũng như chất lượng sản phẩm cà phê. Thế nhưng, chất lượng cây giống trên địa bàn tỉnh đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm.

ADQuảng cáo

Giống trôi nổi

Đức Minh (Đắk Mil) là một địa phương đi đầu của tỉnh trong thực hiện chương trình tái canh. Theo thống kê, đến nay, địa phương đã tái canh được khoảng 900 ha. Vấn đề là bên cạnh những diện tích sinh trưởng, phát triển tốt thì không ít diện tích tái canh chậm phát triển, sâu bệnh hại. Trong đó, nguyên nhân chính được bà con đưa ra đó là họ mua cây giống trôi nổi trên thị trường nên không thể kiểm soát được chất lượng như thế nào.

Ông Phạm Kim An, thôn Thanh Lâm cho biết: Gia đình có 2 ha cà phê đã già cỗi, sâu bệnh tấn công nhiều nên năng suất thấp. Từ năm 2015, thực hiện việc trồng tái canh khoảng 3 sào theo hình thức trồng dặm, cây nào còn cho thu hoạch thì để lại. Thế nhưng trồng được khoảng 6 tháng thì cây không phát triển được mà ngày càng cằn đi, lá vàng, nhỏ, ngọn không phát triển.

Ông Phạm Kim An ở xã Đức Minh (Đắk Mil) đã phải đào bỏ khoảng 200 cây giống kém chất lượng

Ông đành phải nhổ bỏ để trồng lại, ông An buồn rầu: “Tôi mua cây giống ở một địa điểm kinh doanh trên địa bàn xã. Khi mua thì cây rất đẹp, chủ cơ sở thì cam kết là chất lượng tốt. Với hơn 200 cây giống, tôi đã mất trắng hơn 3 triệu đồng. Không có vốn lớn nên phải trồng mới từ từ, giờ gặp cảnh này chắc tôi phải tự ươm giống từ hạt để trồng thôi”.

Theo ông Nguyễn Trọng Đình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh thì thực tế người trồng cà phê trên địa bàn đã thực hiện tái canh cà phê từ lâu, trước khi có chương trình tái canh của tỉnh. Tuy nhiên, từ 2012-2015 đến nay, việc tái canh đã dần trở thành phong trào mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, hàng năm, địa phương vẫn nhận được  phản ánh của bà con, báo cáo của các thôn, bon về tình trạng cây giống kém chất lượng.

Về nguồn giống cà phê tái canh trên địa bàn huyện, theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì chưa có con số thống kê đầy đủ về các điểm sản xuất, kinh doanh cây giống. Mặc du, những năm qua, huyện cũng đã đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng nhưng thực tế là vẫn không thể kiểm soát hết. Thực tế là cây giống trôi nổi trên thị trường có chất lượng không cao, nhưng chưa quản lý, kiểm soát được.

Cũng khẳng định thực tế này, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết: “Đúng là huyện chưa thể kiểm soát chất lượng cây giống cà phê, nhiều cơ sở nhỏ lẻ “mọc lên” như nấm, nhất là vào mùa mưa. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của việc trồng tái canh của nông hộ”.

Chưa có vườn giống được chứng nhận đạt chuẩn

ADQuảng cáo

Thực tế nhu cầu về cây giống phục vụ tái canh trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng toàn tỉnh hiện nay chưa có một cơ sở gieo ươm nào được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn. Đây đang là một thực tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro lớn cho nông dân cần được nhanh chóng giải quyết.  

Ông Trần Văn Bính, chủ cơ sở sản xuất các loại cây giống ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: Hằng năm tại đây sản xuất được hàng trăm ngàn cây giống cà phê, được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Do kiểm soát tốt đầu vào nên cây giống của cơ sở đã gây dựng được uy tín đối với nhà nông. Nhờ đó, hằng năm, nguồn hàng cây giống cà phê luôn được  bán hết, ít khi chịu cảnh tồn từ năm này qua năm khác.

Những năm qua, vườn ươm của ông Bình cũng đã được địa phương tin tưởng giao cho việc nhận ươm cây giống cà phê phục vụ chương trình tái canh trên địa bàn. Vườn ươm hoạt động có giấy phép thế nhưng vẫn chưa được chứng nhận đạt chuẩn.

Về vấn đề này, ông Bính phân trần: “Thực tế tôi cũng đã đăng kí hoạt động kinh doanh nhưng việc được chứng nhận cơ sở sản xuất cây giống đạt chuẩn thì tôi chưa nghĩ tới, mà cũng ngại lắm, đến cuối năm 2016 cố gắng lắm tôi mới hoàn thiện đăng ký hồ sơ tại Sở Nông nghiệp - PTNT”.

Song song với các vườn ươm hoạt động có giấy phép thì các cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động không phép cứ vào mùa mưa hàng năm lại "vào vụ"  hoạt động. Có tính thời vụ nên tùy vào nhu cầu của thị trường mà chủ cơ sở mua giống từ các vườn ươm về bán, bất chấp chất lượng như thế nào.

Theo ông Nông Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drung (Đắk Song) toàn xã có 5 vườn ươm của các hộ dân lấy hạt giống từ nhiều nơi về sản xuất. Những năm qua, các chủ cơ sở này cũng đã được tuyên truyền, tập huấn về kinh doanh cây giống. Nhưng thực tế theo dõi, chất lượng cây giống chưa bảo đảm chính vì thế nhiều vườn cây tái canh trên địa bàn dễ bị các bệnh như nấm thối rễ, rỉ sắt.

Liên quan đến vấn đề cây giống, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) thừa nhận tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, kém năng suất, chất lượng. Những cuộc kiểm tra gần đây của ngành chức năng cho thấy, nhiều vườn ươm, điểm kinh doanh cây giống để xảy ra các vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, chất lượng cây giống không bảo đảm.

Ông Khải khẳng định: “Đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở gieo ươm nào được công nhận đạt chuẩn. Đây đúng là lỗ hổng lớn đối với tiến trình phát triển sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh”.

Ngày 7/1/2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2013- 2020. 

Mục tiêu cụ thể đối với giống cà phê bảo đảm giống cà phê có chất lượng, năng suất cao đáp ứng nhu cầu cải tạo vườn cà phê. Theo đó, sản xuất cung ứng giống trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 bảo đảm đạt 60% diện tích cần cải tạo, tái canh, đến năm 2020 đáp ứng 80% diện tích cần cải tạo, tái canh.

Kỳ 3: “Nút thắt” lớn về vốn

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái canh cà phê - Cần sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ (kỳ 2): Thách thức về chất lượng cây giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO