Tái cơ cấu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng

Ngọc Dũng| 06/08/2018 15:43

Nhằm phát huy hết thế mạnh về đất đai, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021 mới đây đã thông qua Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

ADQuảng cáo

Những "điểm nghẽn"  trong nông nghiệp

Qua thực tế các đợt tiếp xúc cử tri, các đại biểu cũng cho rằng, một vấn đề được đề cập nhiều nhất là liên quan đến tính bền vững của các mặt hàng nông sản.

Khi thực hiện đúng theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giá trị sản xuất cây tiêu sẽ được nâng cao

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cũng nhận định, ngành nông nghiệp của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Một trong những hạn chế lớn là tình trạng “trồng-chặt” và ngược lại vẫn diễn ra khá phổ biến. Người dân chưa thực hiện nghiêm túc về quy hoạch cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Ví dụ như hồ tiêu quy hoạch đến năm 2020 là 14.000 ha nhưng đến hôm nay là 33.000 ha. Tình trạng trồng trên những diện tích đất không quy hoạch, không phù hợp với cây trồng cũng diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, người dân áp dụng quy trình sản xuất cũng chưa được an toàn, hầu như chỉ quan tâm đến năng suất mà chưa quan tâm đến chất lượng. Vì vậy, chất lượng sản phẩm so với quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không đạt yêu cầu.

Cùng với đó, việc canh tác cũng thể hiện không bền vững, chưa coi trọng sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất. Hiện nay, tỉnh chưa nghiên cứu và thực hiện được vấn đề chế biến sâu, chủ yếu là sản xuất thô. Thị trường cũng chưa được nghiên cứu kỹ để hiểu rõ về cả cung và cầu nhằm kết nối giữa tổ chức, doanh nghiệp với hợp tác xã.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp -PTNT tỉnh Đắk Nông phân tích về một số hạn chế trong sản xuất nông nghiệp:

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Từ những bất lợi, khó khăn của ngành nông nghiệp, nhiều đại biểu, cử tri, người dân, doanh nghiệp cho rằng, việc ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là bước đi đúng, phù hợp với xu thế hiện nay. Không những vậy, Đề án sẽ là cơ hội gỡ khó cho ngành nông nghiệp trong các giai đoạn tiếp theo.

Mục tiêu chung của đề án là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6,7-7,7%. Đến năm 2020 sẽ đạt một số chỉ tiêu như: tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp đạt 98,4%, thủy sản đạt 1,3%, lâm nghiệp đạt 0,3%. Cơ cấu ngành nông nghiệp có tỷ lệ trồng trọt chiếm 85,1%, chăn nuôi chiếm 9,9% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,5%. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp/ 1ha đất đạt khoảng 140 triệu đồng. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 60%.

ADQuảng cáo

Cũng đến năm 2020, mỗi ngành hàng chủ lực ở các huyện thành lập 1 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác làm đại diện để liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh phấn đấu hình thành 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; trong đó dự kiến giá trị sản xuất công nghệ cao đóng góp từ 7-10% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân từ 5,4-5,6%/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành có nông nghiệp chiếm 97,8%; thủy sản chiếm 1,8% và lâm nghiệp chiếm 0,3%. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp có trồng trọt: 69,9%; chăn nuôi: 22,9% và dịch vụ nông nghiệp: 5,2%.

Đề án cũng nêu rõ, việc phát triển nông nghiệp bền vững phải trên cơ sở bảo đảm các yếu tố như: Chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm; giá cả nông sản phải hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu; thời gian cung ứng nông sản phải kịp thời và đúng hạn theo yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu nông sản.

Ông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: “Mục đích chính của tái cơ cấu là để chúng ta xác định được các ngành hàng chủ lực của tỉnh có lợi thế về điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng, nhằm định hướng tập trung phát triển và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân và nhu cầu xuất khẩu. Đề án tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng chứ không chỉ là số lượng, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Các ngành hàng phải đáp ứng được các nhu cầu, yêu cầu về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, đáp ứng trong thời đại hiện nay”.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp -PTNT tỉnh Đắk Nông nêu mục đích tái cơ cấu nông nghiệp:

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Ông Yên cũng cho rằng, muốn hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tỉnh phải tập trung quy hoạch vùng và tiểu vùng ứng dụng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và định hướng các cây con chủ lực lợi thế của địa phương. Đây cũng là cơ sở để bảo đảm phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch. Việc thực hiện đề án sẽ có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ trong các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là điều kiện để tạo ra mối liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp với người nông dân, thực hiện bắt đầu từ khâu giống đến khâu sản xuất, tiêu thụ và khâu chế biến. Quy trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp sẽ tránh được tình trạng mất cân đối về cung-cầu.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần tập trung khuyến cáo nông dân và các doanh nghiệp phải bảo đảm sản xuất an toàn và chất lượng, tạo ra nhiều chuỗi sản phẩm trong nông nghiệp để đáp ứng phát triển bền vững cả về kinh tế, bảo vệ môi trường và thu nhập của nông dân.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp -PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết về những chính sách phát triển nông nghiệp bền vững:

Phát biểu tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa III, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là bước đi hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Không những vậy, việc thực hiện đề án sẽ là điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo các mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan cần triển khai quyết liệt hơn, từng bước đưa nền nông nghiệp hướng đến hiện đại, có chất lượng và hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, từng bước hòa nhập thị trường quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO