Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: “Đi” bằng cả… “hai chân”

Hà An| 12/04/2017 10:11

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong 6 chương trình mục tiêu trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra để làm định hướng cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2015-2020. Để làm tốt mục tiêu quan trọng này, theo một số chuyên gia, Đắk Nông có đầy đủ điều kiện để "đi" bằng cả “hai chân”, tức phát triển nông nghiệp công nghệ cao song song với phát triển ngành công nghiệp.

ADQuảng cáo

Tổ hợp tác Phú Nông về trồng trọt trên địa bàn xã Quảng Tâm (Tuy Đức) phát triển trồng hoa. Ảnh: H'Mai

Nhận diện rõ thực trạng

“Để thực hiện tốt việc tái cơ cấu nền kinh tế hay nói cách khác là cơ cấu lại nền kinh tế một cách phù hợp, điều đầu tiên Đắk Nông cần phải làm là nhận diện rõ được thực trạng nền kinh tế của tỉnh đang ở đâu, đã có những gì. Từ đây, tỉnh cần phân tích dựa trên tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển chung để có cách sắp xếp theo trình tự ưu tiên nhằm phát huy tối đa và hợp lý nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế…”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.

Đánh giá về thực trạng nền kinh tế của tỉnh, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ: “Mặc dù đạt được những kết quả tích cực song nền kinh tế Đắk Nông vẫn còn nhỏ bé, mức tăng trưởng chưa cao và thiếu tính ổn định, bền vững. Thu nhập bình quân đầu người có tăng, năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, kinh tế của tỉnh vẫn thuộc nhóm những tỉnh nghèo của cả nước… Ngoài một số nguyên nhân khách quan như tỉnh thành lập sau, xuất phát điểm quá thấp… thì nguyên nhân chủ quan và chủ yếu nhất được xác định vẫn là do chúng ta chưa khai thác, vận dụng một cách tốt nhất các nguồn lực, lợi thế để phát triển”.

Tại một diễn đàn liên quan đến phát triển do Đắk Nông tổ chức, GS Nguyễn Lân Hùng bộc bạch: “Không có lý do gì Đắk Nông lại không “giàu” bởi tỉnh đang sở hữu những cây công nghiệp thế mạnh của cả nước với diện tích, chất lượng vượt trội. Bên cạnh đó, đây cũng là địa phương có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước và khu vực nên triển vọng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp phụ trợ là đã rõ. Vấn đề là tỉnh tổ chức sản xuất, quy hoạch và xây dựng chiến lược như thế nào để “giàu nhanh” thôi. Tuy nhiên, tôi thấy về cơ bản, Đắk Nông đang có những hộ giàu, thậm chí xã giàu được xếp hạng trong cả nước. Thế nhưng, bình quân đầu người toàn tỉnh lại chưa thực sự ấn tượng. Nguồn lực tài nguyên vẫn chưa được sắp xếp, khai thác thực sự hiệu quả…”

Trên thực tế, các chủ trương, chính sách trong phát triển của chúng ta thời gian qua đã có, thậm chí rất nhiều và cơ bản đúng hướng, bám sát được định hướng phát triển chung của cả nước, xem nông nghiệp là lĩnh vực chủ lực và công nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn để phát triển.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện chủ trương, quyết sách lại chưa thực sự phát huy hiệu quả tiềm năng, nguồn lực. Đây cũng là vấn đề đang được đặt ra cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh nói chung, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực nói riêng để khai thác hiệu quả tiềm năng, sắp xếp hợp lý nguồn lực phục vụ cho yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Chỉnh” hướng cho nền nông nghiệp

ADQuảng cáo

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, lâu nay chúng ta thường hiểu chưa đúng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi vì không phải cứ đầu tư một vài khu, cụm hay mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Về bản chất, các mô hình, khu cụm nó chưa thể đại diện cho một nền nông nghiệp mà chỉ có vai trò phục vụ cho nền nông nghiệp công nghệ cao như một công đoạn trong cả chuỗi công nghệ của sản xuất nông nghiệp. Vì thế, tỉnh cũng cần xem xét kỹ về mục tiêu trong đầu tư các khu, cụm nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, nếu chúng ta đầu tư tiền vào một khu nông nghiệp công nghệ cao để rồi chỉ sản xuất ra một số sản phẩm nông nghiệp thì xét về góc độ lợi nhuận là không có, thậm chí là lỗ vì vốn đầu tư lớn nhưng hiệu suất đầu tư lại rất nhỏ, phạm vi ảnh hưởng ít. Trong khi đó, tại sao chúng ta không làm tốt hơn nữa việc tái canh cây cà phê, sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững bằng những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt và thiết thực hơn...

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp của tỉnh gần đây, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần sớm soát xét, đánh giá lại mục tiêu trong đầu tư, thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Nếu xét thấy các dự án đang đầu tư không theo hướng nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất những giống cây trồng mới, có hàm lượng khoa học cao, năng suất tốt, bảo đảm cung ứng cho nhu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh mà phát triển các mô hình sản xuất thì cho dừng ngay để thu hút các dự án khác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các dự án tham gia vào xây dựng những chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ giống, chăm sóc… đến thu mua, chế biến sản phẩm.

Từ thực tế này đã cho thấy, việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp bằng việc đẩy nhanh quy hoạch vùng, cây con phù hợp; xây dựng quy mô, lộ trình đầu tư và hệ thống chính sách hợp lý đang là yêu cầu cần thiết để đưa nền nông nghiệp vào “quỹ đạo” tăng trưởng đồng bộ, nhanh và bền vững.

Sản xuất Hydrat tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh tư liệu

Lợi thế công nghiệp đã rõ

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng khẳng định: Trong cơ cấu kinh tế, không phải địa phương nào cũng có lợi thế phát triển song song cả nông nghiệp và công nghiệp. Thế nhưng, đối với Đắk Nông, theo tôi thì đây là điều mà tỉnh nên tập trung để có sự đầu tư nguồn lực hợp lý. Khi nông nghiệp, công nghiệp phát triển, các ngành khác, nhất là du lịch cũng sẽ phát triển trên cơ sở định hướng chiến lược mà Đắk Nông đã xây dựng.

Riêng về lĩnh vực công nghiệp, theo ông Lạng thì một số ý kiến băn khoăn, thậm chí hoài nghi về khai thác bô xít thời gian qua như ô nhiễm môi trường, ăn xổi nguồn lực… là không đáng quan ngại, vì đây không phải là ngành công nghiệp mới so với thế giới. Các nước đi trước đã giải quyết được “bài toán” về môi trường thì không lý gì chúng ta không làm được. Trong khi đó, lợi thế phát triển của ngành công nghiệp bô xít nhôm ở Đắk Nông lại chiếm ưu thế như trữ lượng lớn, lộ thiên, được khảo sát, thăm dò và đánh giá chất lượng từ lâu của các chuyên gia các nước tiên tiến… Mặt khác, từ điểm khai thác, chế biến bô xít-nhôm ở Đắk Nông đến các cảng lớn cũng khá gần, thuận lợi cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cũng phải nhận diện rõ và sát hơn ngành công nghiệp này để có những chiến lược phát triển phù hợp. Bởi vì nếu đầu tư ở quy mô dưới 1 triệu tấn là rất khó thành công do lợi nhuận không cao mà phải có những suất đầu tư quy mô lớn với những công nghệ hàng đầu mới mong giải quyết tốt vấn đề lợi nhuận…Hiện Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông đang được triển khai chính là “bài toán” giải quyết tốt vấn đề kinh tế cho ngành công nghiệp khai thác bô xít ở Đắk Nông. Từ những cơ sở này, Đắk Nông cần có những định hướng rõ ràng trong quy hoạch, phân bố nguồn lực để thu hút các dự án sau nhôm và một số ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Rõ ràng, khi đã xác định được một cơ cấu kinh tế hợp lý, đồng nghĩa với việc chúng ta đang có cách thức tổ chức, vận hành hợp lý để tối ưu hóa nguồn lực, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở bám sát 3 trụ cột, đó là kinh tế - xã hội và môi trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: “Đi” bằng cả… “hai chân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO