Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nhìn từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (kỳ 1): Lợi... bất cập hại

Trần Lê| 17/07/2017 10:25

Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách vừa là một thách thức, cũng vừa là yêu cầu cấp thiết trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

ADQuảng cáo

Để giảm chi phí, công sức cũng như gia tăng năng suất tức thời, đa phần nông dân hiện nay đang lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp. Điều này chỉ mang đến cái lợi trước mắt nhưng đã và sẽ để lại hậu quả lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe, ô nhiễm môi trường cũng như "kéo lùi" lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn.

Tại Đắk Nông, đi đôi với việc tăng diện tích thì vấn đề lạm dụng phân bón hóa học để nâng cao năng suất và sản lượng cho các cây công nghiệp lâu năm của người dân trên địa bàn trong những năm qua đang ngày một cao.

Theo tính toán sơ bộ thì mỗi năm, tỉnh Đắk Nông cần khoảng 300.000- 400.000 tấn phân NPK các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với cây cà phê, để có sản lượng 190.000 tấn/năm thì cần khoảng 200.000 tấn phân NPK (năm 2016, sản lượng cà phê của Đắk Nông đạt mức 250.000 tấn) chưa kể các loại phân khác như phân hữu cơ, phân chuồng và các nguồn dinh dưỡng khác.

Ước tính số tiền nông dân tỉnh Đắk Nông mua phân bón vào khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó số tiền chi cho việc mua phân bón ở một tỉnh đồng bằng phía Bắc chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy lượng phân bón sử dụng cho cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông so với một số địa phương khác là rất lớn.

Chị Đặng Mười Kiều ở thôn 4, xã Đắk Ha (Đắk Glong) mua thuốc bảo vệ thực vật còn theo cảm tính

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN - PTNT) cho biết: Chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể cho biết độ màu mỡ của đất trên địa bàn Đắk Nông đang ngày càng giảm đi. Nhưng qua thực tế thì có thể khẳng định, nhiều vùng đất đang cằn cỗi đi nhanh chóng do lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Độ PH (độ chua) trong đất giảm sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh hại phát sinh. Thực tế thì hiện nay các loại cây trồng dài ngày ở Đắk Nông đang có nguy cơ bùng phát bệnh.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 500 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, trong đó hơn 60 ha đã chết. Đối với cà phê, tỷ lệ vườn bị các bệnh về lá, rễ cũng chiếm hơn 60% ở tất cả các địa phương, nhất là ở Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp.

ADQuảng cáo

Gia đình anh Nguyễn Tấn Hồng, ở thôn 5, xã Trường Xuân (Đắk Song) có gần 2 ha đất rẫy trồng hồ tiêu, cà phê nhưng bình quân thu nhập mỗi năm chỉ trên dưới 200 triệu đồng. Nếu trừ chi phí từ công, vật tư theo anh chỉ còn khoảng 50 triệu đồng. Khi hỏi về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, anh Hồng cho biết: "Mỗi năm, tôi bón cho các loại cây trồng khoảng 3 đợt phân bón, tùy theo điều kiện kinh tế, có tiền thì bón nhiều, ít tiền thì bón ít.Cây cũng như người thôi, cho nó ăn nhiều thì nó tốt nó khỏe chứ". Cũng theo anh Hồng, đợt xịt phân bón lá cho hồ tiêu tháng 6/2017, do bất cẩn nên người nhà anh còn pha nhầm thuốc trừ cỏ vào hỗn hợp nên vườn cây của gia đình đã bị héo lá không biết có qua khỏi cơn nguy kịch.

Anh Dương Văn Lũy, thôn 16, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) mất hơn 5 triệu đồng mua thuốc bảo vệ thực vật nhưng vườn hồ tiêu đang chết dần

Tương tự, tháng 5/2016, gia đình anh Dương Văn Lũy, thôn 16, Đắk Sin (Đắk R’lấp) có trên 10 trụ tiêu bị chết. Không biết nguyên nhân gì nên anh đã nhờ người của đại lý thuốc bảo vệ thực vật vào kiểm tra vườn. Sau đó, người của đại lý đưa thuốc vào tận vườn hướng dẫn gia đình sử dụng. Mất khoảng 5 triệu đồng mua thuốc bảo vệ thực vật nhưng vườn cây không những không xanh trở lại mà ngày càng lan ra, hiện đã chết gần 200 trụ.

Về vấn đề này, anh Lũy cho biết: “Gia đình trồng hồ tiêu xen với cà phê trên diện tích 2 ha từ 15 năm nay. Trồng và chăm sóc, bón phân, xịt thuốc theo kinh nghiệm là chính chứ không tham gia tập huấn, học tập gì nhiều. Trước đây khi giá hồ tiêu cao thì lãi còn khá nhưng nay giá thấp thì lời lãi chẳng là bao. Khi vườn bị chết, tôi nghe người của đại lý phân bón nói là bị nấm thì mua thuốc về bơm tuần 2 lần. Thế nhưng càng bơm càng thấy chết, tôi đang sợ bệnh lây lan ra cả vườn thì biết lấy gì mà bảo đảm cuộc sống”.

Anh Dương Văn Lũy, thôn 16, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) mất hơn 5 triệu đồng mua thuốc bảo vệ thực vật nhưng vườn hồ tiêu đang chết dần

Còn chị Đặng Mười Kiều ở thôn 4, xã Đắk Ha nói: “Gia đình có 3 sào lúa, hằng năm, dù có bệnh hay không thì tôi luôn mua các loại thuốc về xịt phòng, chống các bệnh như đạo ôn, bọ trĩ. Tôi nghĩ phòng hơn chống nên làm theo cảm tính vậy thôi chứ không biết là nó có tác hại gì nhiều đến sản xuất, môi trường”.

Ngoài bón phân không đúng cách, hàng năm, người dân cũng đang sử dụng một lượng lớn các loại thuốc diệt cỏ như thuốc cỏ cháy, thuốc cỏ lưu dẫn để diệt cỏ. Bình quân, mỗi ha cà phê, mỗi năm nông dân đang tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng để mua các loại thuốc này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đất, cây trồng do tồn dư các chất độc hại.

(Kỳ 2: Thách thức của  nền nông nghiệp)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nhìn từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (kỳ 1): Lợi... bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO