Tại sao tỉnh ta có quy mô kinh tế lớn nhưng thu ngân sách Nhà nước thấp so với một số tỉnh Tây Nguyên?

Trần Mạnh Đương| 26/12/2016 11:08

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 2/12 về đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tháng 11, nhiệm vụ tháng 12 và dự kiến kế hoạch 2017, khi đề cập đến tình hình thiếu hụt nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 so với chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề "So với Kon Tum, quy mô kinh tế Đắk Nông lớn hơn, phát triển khởi sắc hơn nhưng tại sao tổng thu ngân sách địa phương lại thấp hơn?".

ADQuảng cáo

Đây là câu hỏi liên quan đến chỉ số động viên GDP vào NSNN, có tính cốt lõi đi vào vấn đề "cốt tử" chất lượng và hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế địa phương. Đó là tỉ số tổng thu NSNN/tổng sản phẩm nội địa trong một thời gian, không gian nhất định, thường là một năm; cho biết, số tiền đóng góp vào NSNN từ 100 đồng GDP tạo ra.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 2/12, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Vũ Trang

Số liệu Niên giám thống kê cho biết, GRDP năm 2015 của Đắk Nông là 15.170 tỉ đồng lớn hơn Kon Tum 472 tỉ đồng, nhưng số thu NSNN của Kon Tum là 1.644 tỉ đồng nhiều hơn Đắk Nông 266 tỉ đồng. Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này của Kon Tum là 16,14% gần gấp 2 lần so với Đắk Nông (8,61%), bình quân khu vực Tây Nguyên là 14,63%; 5 năm sau, khoảng cách vẫn không thay đổi, tương tự lần lượt là 16,65%, 8,93%, bình quân khu vực Tây Nguyên là 11,74%. Điều này cho thấy, tỷ lệ động viên GDP vào NSNN của Đắk Nông sau 10 năm có nhích lên so với mức bình quân Tây Nguyên, nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ chỉ bằng 1/2 so với Kon Tum. Đắk Nông có quy mô kinh tế chỉ lớn hơn 1,46 lần nhưng số thu NSNN thấp hơn Kom Tum, không chỉ trong năm 2015 mà đã kéo dài từ nhiều năm trước.

Nguyên nhân của tình trạng này còn được lý giải ở 3 trường hợp giả định xảy ra. Thứ nhất, số liệu GRDP tính toán không chuẩn, cao hơn tổng sản phẩm thực tế làm cho tỉ lệ này bị giảm thấp. Tuy xác suất xảy ra không cao, nhưng cũng nên tổ chức đánh giá độc lập lại các "công cụ" thống kê. Vì dù là thiết bị hiện đại nếu dùng lâu mà không hiệu chuẩn vẫn xảy ra độ sai lệch nhất định. Tất nhiên sẽ làm cho công tác hoạch định và điều hành kinh tế có thể “đi một dặm” và kém hiệu quả.   

ADQuảng cáo

Thứ hai, số thu ngân sách chưa phản ánh đúng thực trạng và tiềm năng nguồn thu từ nền kinh tế. Mặc dù 5 năm gần đây, tốc độ tăng thu NSNN của Đắk Nông đã được cải thiện, nhanh hơn rất nhiều so với Kon Tum (13,4%,/7,65%), phản ánh sự nỗ lực cố gắng của ngành Thuế và cả hệ thống. Nhưng với nguồn thu vẫn ở TOP dưới trong khu vực cần thiết phải tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học; đánh giá, phân tích nguồn thu theo lợi thế tiềm năng và sự đóng góp vào tăng trưởng cũng như tình hình tổ chức huy động nguồn thu để làm sáng tỏ vấn đề.

Thứ ba, giả định số liệu GRDP chuẩn xác và thu NS đúng với tiềm năng, rõ ràng tỉ lệ động viên GDP vào NSNN thấp là do cấu trúc nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng có vấn đề. Chất lượng tăng trưởng là cơ sở để xem xét tốc độ phát triển nhanh và là nền tảng kinh tế quan trọng để phát triển bền vững, nhưng hiệu quả tăng trưởng trong những năm vừa qua của tỉnh không tương xứng với tốc độ tăng trưởng qua các chỉ số hiệu quả đầu tư xã hội (ICOR), khoảng cách tăng trưởng kinh tế và thu nhập, tỉ lệ động viên GRDP vào NSNN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cũng như mức độ đóng góp vào tăng trưởng của các lĩnh vực tiềm năng lợi thế. v.v...

Một trong những nguyên nhân cơ bản là tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và lợi thế tiềm năng. Dấu ấn, tác động của khoa học công nghệ thông qua nhân tố năng suất tổng hợp TFP với vai trò động lực của sự phát triển nhanh và bền vững chưa được quan tâm và phản ánh.

Do đó, để đánh giá đúng cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá nhận dạng và đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế địa phương. Trọng tâm là chỉ ra động lực phát triển, khu vực kinh tế nền tảng; tìm ra cách thức huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực và phương thức phân phối kết quả của nền kinh tế; cơ chế vận hành mô hình tăng trưởng kinh tế; xác định điều kiện phát triển cũng như những lực cản, thách thức phát triển. Trong đó, cần đặt doanh nghiệp và người dân vào vị trí trung tâm, Nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo như người lái thuyền. Kinh tế không thể tăng trưởng và phát triển nếu không có doanh nghiệp và người lao động có kỹ năng.

Tăng cường việc kiểm tra, giám sát, tiếp tục đưa Nghị quyết 12 khóa X của Tỉnh ủy về “Phát triển khoa học công nghệ” vào đời sống kinh tế xã hội một cách hiệu lực và hiệu quả; coi Nghị quyết 12 như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mọi quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư các công trình, dự án… nhằm tạo nên sự chuyển biến căn bản từ việc sử dụng số lượng các yếu tố đầu vào để tăng trưởng sang nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào là vốn và lao động; có nghĩa là, cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Tính toán đưa chỉ tiêu TFP vào hệ thống thống kê địa phương để làm công cụ đánh giá, kiểm soát hàm lượng khoa học công nghệ trong tăng trưởng và phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao tỉnh ta có quy mô kinh tế lớn nhưng thu ngân sách Nhà nước thấp so với một số tỉnh Tây Nguyên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO