Tăng trưởng kinh tế và những “khoảng trống” chưa được khai thác

Hà An| 01/11/2016 10:26

Năm 2016 được xem là năm “chật vật” nhất kể từ nhiều năm trở lại đây về thực hiện chỉ tiêu phát triển khi mà tăng trưởng ở hàng loạt lĩnh vực dự đoán sẽ không “cán đích” theo đúng kế hoạch. Ngoài những nguyên nhân khách quan như bấy lâu chúng ta đã “mổ xẻ”, phải chăng chúng ta đang còn những “khoảng trống” về tiềm năng chưa được khai thác!

ADQuảng cáo

Nông dân thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đầu tư trồng cam, quýt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Y Krăk

Nhận diện “bức tranh” tăng trưởng

Theo mục tiêu đặt ra, trong năm 2016, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 phấn đấu đạt khoảng 16.198 tỷ, tốc độ tăng trưởng đạt hoặc vượt 9%. Tuy nhiên, theo ước tính của Cục Thống kê tỉnh, dự báo GRDP năm 2016 cũng chỉ đạt khoảng 15.751 tỷ đồng, hụt hơn 1.000 tỷ đồng theo mục tiêu đề ra. Với con số này thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả năm 2016 chỉ đạt mức 6,56%.

Nguyên nhân tốc độ tăng trưởng đạt thấp là do 2 khu vực công nghiệp-xây dựng và thuế giảm sâu so với kế hoạch. Cụ thể, theo kế hoạch, khu vực công nghiệp - xây dựng trong năm dự kiến tăng 31,29%,  trong khi ước của Cục Thống kê chỉ tăng được trên 7%. Khu vực thuế dự kiến chỉ tăng trưởng 7,56%/15,01% so với kế hoạch. Cơ sở để đưa ra dự báo này chính là nhiều lĩnh vực trọng yếu đã “vỡ” kế hoạch so với dự báo. Đối với các lĩnh vực khác, qua phân tích, tính toán thì dự kiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khoảng 5,53%/6,06% kế hoạch đề ra. Khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,9/6,33% kế hoạch.

Như vậy, để rút ngắn khoảng cách giữa mục tiêu và kết quả dự báo về tốc độ tăng trưởng đã nêu, chúng ta không có cách nào khác là phải “giải mã” được những ẩn số về tiềm năng chưa được khai thác.

Và kịch bản cho những tháng nước rút

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kịch bản cho tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm nếu phân tích kỹ, tính đủ, tính đúng cộng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thì không đến nỗi ảm đạm, thậm chí có nhiều khả năng đạt hoặc gần đạt kế hoạch đề ra.

Cơ sở cho nhận định này là vì tiềm năng tăng trưởng của tỉnh ta hiện nay còn khá lớn nhưng do số liệu thống kê, tính toán chưa sát với thực tế nên chưa có biện pháp để khai thác, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Lĩnh vực được xem còn nhiều tiềm năng nhất là nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Theo Cục Thống kê thì năm 2016, sản lượng hồ tiêu toàn tỉnh đạt khoảng 22.500 tấn tiêu hạt. Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì diện tích hồ tiêu toàn tỉnh hiện nay khoảng 17.000 ha, sản lượng ước tính 34.000 tấn, cao hơn 11.500 tấn so với số liệu thống kê. Từ trước đến nay, trong tính toán tốc độ tăng trưởng, chúng ta chỉ áp dụng số liệu thống kê để lập kế hoạch khai thác chứ chưa linh hoạt áp dụng các số liệu phát sinh hiện tại dẫn đến bỏ qua một sản lượng lớn.

Chỉ đơn cử địa bàn huyện Đắk Song, theo số liệu niên giám thống kê năm 2015 thì diện tích hồ tiêu của huyện có 5.700 ha, trong đó diện tích kinh doanh 2.951 ha, sản lượng 7.338 tấn. Trong năm 2016, diện tích hồ tiêu tăng thêm khoảng 5% nữa. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Đắk Song thì năm 2015, diện tích hồ tiêu của huyện là 6.202 ha, tăng 1.102 ha so với số liệu cùng kỳ của Cục Thống kê; diện tích hồ tiêu thu hoạch là 4.150 ha, tăng 1.200 ha so với số liệu của Cục Thống kê. 

Nếu tính diện tích tiêu trồng trên diện tích đất phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép thì diện tích hồ tiêu của huyện năm 2015 khoảng 10.500 ha, với sản lượng bình quân khoảng 12.000 tấn, vượt gấp đôi về diện tích và sản lượng mà Cục Thống kê công bố.

Do diện tích cây hồ tiêu thời gian qua phát triển mạnh ngoài quy hoạch nên con số thống kê còn ít so với thực tế. (Ảnh: Nông dân xã Nâm N’Jang (Đắk Song) chăm sóc hồ tiêu)

Giải trình về kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5, khóa XI, nhiệm kỳ 2010-2020, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Chưa nói đến các cây trồng khác, chỉ riêng hồ tiêu, nếu chúng ta tính đúng, tính đủ cũng sẽ đóng góp thêm khoảng 4,5% tăng trưởng cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, do biến động lớn trong cơ cấu cây trồng, tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nên diện tích các loại cây như cà phê, ăn trái… cũng cao hơn số liệu thống kê khá nhiều. Vì vậy, chúng ta cần phải rà soát, tính toán đúng thực chất để không chỉ tạo nguồn lực phát triển cho năm nay mà các năm tiếp theo.

Cũng theo ông Trung, mặc dù số liệu thống kê dự báo khu vực công nghiệp trong năm 2016 chỉ đạt khoảng 7,96% nhưng 3 tháng cuối năm, nếu làm tốt công tác đôn đốc, động viên doanh nghiệp thì dự báo có thể tăng khoảng 14,1%. Trong lĩnh vực thu ngân sách, chúng ta phấn đấu mỗi tháng thu được khoảng 100 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tăng cường thu nợ từ khai thác khoáng sản khoảng 20 tỷ, phí đo đạc khoảng 10 tỷ và đẩy mạnh thu biện pháp tài chính thì nhiều khả năng sẽ bù được con số hụt thu theo dự báo. Với kịch bản này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2016 sẽ xấp xỉ đạt 8%, vượt 2,44% so với số liệu ước tính của Cục Thống kê.

Rõ ràng, năm 2016 là năm đầu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nếu không quyết tâm, quyết liệt có các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng khai thác tốt các nguồn lực cho phát triển thì sẽ là bước cản không chỉ cho năm nay mà cả giai đoạn 5 năm 2016-2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng kinh tế và những “khoảng trống” chưa được khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO