Tạo cơ hội cho nông dân phát triển chăn nuôi

Văn Tâm| 20/10/2016 09:57

Thời gian qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi, các cấp hội nông dân trong tỉnh Đắk Nông đã giúp nông dân tiếp cận vay để phát triển chăn nuôi. Đến nay, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy đồng vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Phạm Quang Đà ở thôn Đắk Sơn 1, xã Đắk Môl (Đắk Song) trước đây chủ yếu trồng cây cà phê. Nhận thấy chỉ sản xuất một loại cây trồng thì nguồn thu sẽ không đáp ứng được nhu cầu trang trải cho cuộc sống gia đình nên năm 2007, ông Đà đầu tư vốn nuôi bò.

Đến năm 2013, đàn bò đã tăng lên 13 con, gia đình ông Đà được địa phương bình xét cho nuôi 1 con bò đực giống dòng Brahman để lai tạo nhân giống cho đàn bò của gia đình và đàn bò của người dân trong thôn, xã.

Gia đình ông Phạm Quang Đà ở thôn Đắk Sơn 1, xã Đắk Môl (Đắk Song) có thêm nguồn thu nhập nhờ chăn nuôi bò sinh sản

Ông Đà cho biết: “Để phát triển cân bằng giữa trồng trọt và chăn nuôi, tận dụng tiềm năng về đồng cỏ tự nhiên của địa phương, năm 2007, tôi chỉ nuôi 2 con bò giống, đến nay đã có được 8 con bò sinh sản và trên 10 con bò thịt”.

Theo ông Đà thì trong quá trình chăm sóc, nhờ được các cán bộ kỹ thuật của ngành chăn nuôi hướng dẫn các quy trình phòng chống dịch bệnh nên đàn bò của gia đình ông bảo đảm an toàn, bò cái sinh bê lai phát triển tốt, tăng trọng nhanh, có trọng lượng lớn, bán được giá cao. Cụ thể trong năm 2015, gia đình ông Đà xuất bán 5 con bê lai với giá từ 12-15 triệu đồng/con.

ADQuảng cáo

Còn tại xã Trúc Sơn, huyện Chư Jút, với nguồn đất đai dồi dào và có số lượng công lao động nhàn rỗi nhiều, tận dụng tiềm năng đó, năm 2013, Hội Nông dân xã Trúc Sơn đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên có thêm điều kiện làm ăn, vươn lên làm giàu chính đáng.

Qua tìm hiểu, Tổ hợp tác chăn nuôi bò Trúc Sơn thành lập với số lượng 10 hộ tham gia. Ban đầu, Hội nông dân xã đã tạo điều kiện cho các hộ trong tổ vay với số vốn 30 triệu đồng/hộ, cùng vốn đối ứng của các gia đình khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng để mua 2 con bò giống. Tổng số bò nền ban đầu của Tổ là 20 con.

Sau 3 năm, đến nay tổng đàn của Tổ đã có 59 con, thu nhập của Tổ sau khi trừ chi phí là 950 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi hộ thu được lợi nhuận từ chăn nuôi bò là 95 triệu đồng/năm. Ngoài chăn nuôi bò, các hộ trong Tổ còn chăn nuôi thêm heo, gà và trồng cây công nghiệp như cà phê, tiêu để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trung bình thu nhập của mỗi hộ từ việc chăn nuôi bò, heo, gà và trồng các loại cây công nghiệp hàng năm đạt 345 triệu đồng/hộ/năm.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để giúp nông dân thuận lợi trong phát triển sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai việc hỗ trợ nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm từ 2012 – 2016, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân tiếp tục được phát triển, đến nay đạt trên 24 tỷ đồng, hỗ trợ cho 837 lượt hộ vay trên 86 dự án. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 7,5 tỷ đồng, cấp tỉnh 7,6 tỷ đồng, cấp huyện và cơ sở trên 9,5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hồ Gấm, hàng năm Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Nông nghiệp – PTNT triển khai việc bố trí lực lượng cán bộ Hội nông dân xã, phường, thôn, bon, buôn kiêm nhiệm công tác cộng tác viên khuyến nông, triển khai dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt trên địa bàn tỉnh. Riêng Hội Nông dân trực tiếp triển khai tại huyện Đắk Song với tổng kinh phí giai đoạn từ 2014 – 2018 trên 2,8 tỷ đồng (không tính tiền mua giống bò đực). Theo đó, dự án đã hỗ trợ 32 hộ mỗi hộ 1 con bò đực giống để phối giống miễn phí cho bò cái nền tại địa phương. Đến nay, người dân đã thực hiện phối được 954 bò cái nền, phát triển được 296 con bê lai F1, trong đó có 153 bê đực và 145 bê cái. Bước đầu, dự án mang lại hiệu quả khả quan, bê lai F1 cho trọng lượng và giá thành cao hơn bò địa phương đã tạo cho nông dân cơ hội phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ hội cho nông dân phát triển chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO