Tạo cơ sở vững chắc cho phát triển nền công nghiệp nhôm

Lê Dung thực hiện| 01/03/2017 09:55

Vừa qua, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV xuất cảng 12.000 tấn alumin-hydroxit nhôm đầu tiên tại cảng Gò Dầu B (Đồng Nai) ra nước ngoài, đây là tin vui đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) về một số nội dung liên quan tới hoạt động sản xuất alumin tại các dự án ở Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Hoạt động sản xuất alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Phóng viên: Sự kiện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam giao chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên do Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV sản xuất có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển chung của TKV và tỉnh Đắk Nông, thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Đây là sự kiện tiếp theo các sự kiện về sản xuất than và khoáng sản của TKV. Đó không chỉ là sự phấn khởi của riêng cán bộ, công nhân viên chức Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, mà còn đáp ứng được sự mong mỏi rất lớn của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông.

Xuất khẩu những tấn hàng alumin-hydroxit đầu tiên cũng đã khẳng định sự cam kết và lời hứa của cán bộ, công nhân, viên chức, lãnh đạo của TKV trước Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương. Hoạt động này cũng đã đánh dấu sự thành công của TKV trong quá trình chuyển Nhà máy Alumina Nhân Cơ từ giai đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm sang giai đoạn vận hành chính thức và hoạt động thương mại. Đây được kỳ vọng là sẽ tạo nên một nền công nghiệp mới tại Việt Nam trong tương lai - đó là công nghiệp nhôm.

Sự thành công của Dự án Alumin Nhân Cơ cũng đã đóng góp tích cực vào đa dạng hóa kinh tế của tỉnh Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung. Thực tế, trong những năm qua, nội dung này đã được Tập đoàn minh chứng ở Nhà máy Alumin Tân Rai. Hằng năm, chúng tôi đã đóng góp một nguồn ngân sách đáng kể cho tỉnh Lâm Đồng và Dự án Alumin Nhân Cơ cũng sẽ vậy; đồng thời, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho con em tại địa phương.

Đặc biệt là đến nay, sau gần 4 năm vận hành sản xuất ổn định ở Nhà máy Alumin Tân Rai, Tập đoàn đã dần hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý am hiểu về lĩnh vực sản xuất alumin; đồng thời, đã mở được thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin với nhiều đối tác, bạn hàng trên thế giới. Các kinh nghiệm và kết quả thu được từ Dự án Alumin Tân Rai đã được TKV áp dụng cho Dự án Alumina Nhân Cơ, nhất là trong công tác đầu tư xây dựng và vận hành sản xuất thương mại của dự án.

Phóng viên: Được biết, trong các năm 2015-2016, giá alumin trên thị trường thế giới có nhiều biến động và giảm mạnh. Vậy điều này có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các dự án alumin ở Tây Nguyên hay không, thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Thực tế, khi tính toán đầu tư dự án, Tập đoàn cũng đã tính tới sự thay đổi của thị trường về giá alumin lúc lên, lúc xuống và tính cả đến thời điểm thu hồi vốn và tính hiệu quả. Việc thời gian vừa qua, giá alumin có sự biến động khiến nhiều người lo ngại.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, tới quý IV/2016, giá đã nhanh chóng tăng trở lại và năm nay, dự kiến sẽ lên nữa. Tập đoàn hoàn toàn tự tin vì mọi việc đã nằm trong sự tính toán trước đó của dự án. Với đà này, chúng tôi sẽ tạo niềm tin vững chắc hơn đối với cán bộ và công nhân vận hành hai nhà máy nói riêng và cả Tập đoàn nói chung.

Chúng tôi một lần nữa khẳng định cam kết về trình độ vận hành và quản lý tốt hai dự án này. Trong đó, việc Dự án Alumin Tân Rai đi vào hoạt động gần 4 năm trước đó được xem là tiền đề, cơ sở để Tập đoàn nghĩ tới việc nâng công suất, nâng hiệu quả của nhà máy và tiến tới công nghiệp luyện nhôm để tạo nên một chuỗi giá trị gia tăng của bô xít.

Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV xuất cảng tấn alumin- hydroxit nhôm đầu tiên tại cảng Gò Dầu B (Đồng Nai)

Phóng viên: Trước đó và hiện tại, nhiều người dân vẫn lo ngại việc vận chuyển alumin có ảnh hưởng đến giao thông đường bộ ở các địa phương, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Minh Chuẩn: Hiện nay, vấn đề giao thông là một trong 5 nội dung quan trọng của hai dự án alumin ở Tây Nguyên và những vấn đề này đã được Ủy ban giám sát của Quốc hội kết luận sau khi giám sát Dự án Alumin ở Tân Rai. Chúng tôi cho rằng, thời gian vừa qua, các đơn vị vận chuyển alumin cho Tập đoàn đã thực hiện rất nghiêm túc những quy định về giao thông đường bộ và những quy định của địa phương khi xe đi qua. Đến thời điểm hiện nay, chưa xảy ra một vấn đề gì tác động xấu trên tuyến đường vận chuyển.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Công thương đã có chỉ đạo TKV về việc nghiên cứu để biến bùn đỏ thành vật liệu không nung. Đến nay, việc làm này đã được đơn vị triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Vấn đề môi trường được xem là một trong những nội dung quan trọng của các dự án alumin ở Tây Nguyên mà Tập đoàn rất quan tâm. Ngoài việc bảo vệ được thảm thực vật thì vấn đề xử lý được bùn đỏ có vai trò rất lớn của các dự án. Hiện nay, chúng tôi cũng đã và đang tính tới vấn đề vừa bảo toàn hồ bùn đỏ, vừa tăng hiệu suất cao hơn, tốt hơn.

Vừa qua, nhiều nhà khoa học và những đơn vị công nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu tận thu những kim loại còn lắng đọng trong bùn đỏ để nâng cao giá trị. Trên tinh thần rất hợp tác, chúng tôi mong muốn việc làm đó sẽ sớm thành công, giúp cho việc xử lý bùn đỏ tại các dự án sẽ được triệt để hơn…

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ sở vững chắc cho phát triển nền công nghiệp nhôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO