Tạo đà cho công nghiệp "tăng tốc"

Lê Dung| 23/10/2017 10:01

Trong 9 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Đắk Nông thực hiện được 4.332 tỷ đồng, đạt 75,2% kế hoạch và tăng 51,8% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 141,78% so với cùng kỳ 2016. Đây cũng là năm chúng ta đang ghi nhận sự tăng trưởng đều và ở mức khá cao của ngành công nghiệp tỉnh.

ADQuảng cáo

Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đi vào hoạt động ổn định đã góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh

Trong 4 nhóm ngành công nghiệp của tỉnh thì 3 nhóm có chỉ số tăng cao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 205%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 49,5%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,9%.

Xét về từng sản phẩm, trong số 21 sản phẩm chủ yếu thuộc các ngành công nghiệp của tỉnh đã có tới 11 sản phẩm tăng trưởng ổn định và khá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cồn tinh luyện đạt 9.455 tấn, tăng 77,6%; cà phê bột đạt 928 tấn, tăng 47,3%; bàn ghế, giường tủ bằng gỗ đạt 165.382 sản phẩm, tăng 14,5%; mủ cao su đạt 6.595 tấn, tăng 37,4%; bồn inox, bồn nhựa đạt 33.418 sản phẩm, tăng 20,5%; điện thương phẩm đạt 347 triệu kwh, tăng 12,2%; điện sản xuất đạt 927 triệu kwh, tăng 23,6%; nước máy đạt 2,232 triệu m3, tăng 20,7%...

Có được kết quả đó, theo Sở Công thương trước hết, thời gian qua tỉnh rất quan tâm tới việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã tập trung thực hiện hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho các doanh nghiệp khi làm hồ sơ đầu tư vào địa phương. Mọi khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp đều được các ngành, các cấp ưu tiên giải quyết đến kết quả cuối cùng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký cam kết với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp… Đây chính là tiền đề, động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Tăng trưởng của ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm nay tăng khá cao một phần là do từ đầu năm tới nay, thị trường một số mặt hàng chủ lực đang có sức hấp thụ mạnh. Thời tiết mưa nhiều cộng với nguồn nguyên liệu của các sản phẩm như cồn tinh luyện, cà phê bột, cà phê nhân… ổn định cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mặt hàng nông sản và sản xuất điện trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, việc Nhà máy Alumin Nhân Cơ  đi vào hoạt động ổn định đã góp phần rất lớn vào việc tăng chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị sản xuất công nghiệp cho toàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chuyển giao. Hoạt động của nhà máy đã đạt 90% công suất thiết kế. Trong 9 tháng đầu năm, nhà máy đã sản xuất được hơn 362.000 tấn Alumin, vượt 81% kế hoạch năm...

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của nhà máy đã và đang được thế giới đón nhận. Trong đó, thị trường tập trung chủ yếu là ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Trung Đông… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản cũng đã có nhiều nỗ lực, từng bước mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu.

Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh đã thực hiện được 722,2 triệu USD, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 93,8% kế hoạch. Nhiều mặt hàng đã vươn xa ra thị trường các nước với sản lượng lớn như: Cà phê: đạt 195 triệu USD; hạt điều nhân: 320 triệu USD; tiêu đen: 82 triệu USD; sản phẩm Alumin: 110 triệu USD...

Phân loại hạt điều nhân tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp). Ảnh: N.L

Bên cạnh nhiều nhóm hàng có sự tăng trưởng mạnh thì 9 tháng đầu năm nay, chúng ta cũng đang ghi nhận giá trị sản xuất công nghiệp của một số mặt hàng vẫn đạt thấp so với yêu cầu đề ra. Một số sản phẩm do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ như: Đá xây giảm 22,46%; gạch xây dựng giảm 9,1%; ván MDF giảm 13,8%; phân vi sinh giảm 11,76%; hạt điều nhân giảm 21,21%; đậu phộng, đậu nành sấy giảm 50,14%; đá xẻ ốp lát giảm 49,85%... Nguyên nhân một phần là do một số sản phẩm thuộc ngành khai thác đá, do thời tiết mưa nhiều nên việc sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, các mặt hàng như: Ván MDF, đậu phộng, hạt điều nhân, đá xẻ... lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất nên cũng đã tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng của toàn ngành.

Để phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh cả năm đạt 5.495 tỷ đồng và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 140% so với năm 2016, trong những tháng cuối năm, ngành Công thương đang tích cực đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo đà cho công nghiệp tiếp tục "tăng tốc". Theo đó, bên cạnh làm tốt công tác tham mưu, ngành sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại thông qua hỗ trợ đào tạo lao động, phát triển thị trường, hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến… cho các cơ sở công nghiệp.

Việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính cũng được ngành quyết liệt triển khai. Trong đó, ngành đã tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định trong lĩnh vực công thương đang gây khó khăn, phiền hà cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá 12 thủ tục hành chính và kiến nghị với Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án đơn giản hóa cho 8 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho công nghiệp "tăng tốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO