Tạo động lực để cây dược liệu phát triển

Hồng Thoan| 07/11/2017 09:30

Tỉnh ủy Đắk Nông vừa ban hành Chỉ thị số 22- CT/TU, ngày 20/9/2017 về việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây được coi là tiền đề, động lực cho việc bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu của tỉnh theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Hiệu quả đã rõ

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, với khí hậu ôn hòa, đất bazan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, Đắk Nông có nhiều lợi thế về phát triển các loại cây dược liệu như atiso, gừng, sả, nghệ, sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, thông đỏ... Các loại cây khác như diệp hạ châu đắng, củ mài, ý dĩ, dương cam cúc, đinh lăng, bình vôi, gấc, táo mèo cũng được coi là những cây dược liệu thế mạnh của tỉnh.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 106 ha cây dược liệu, chủ yếu ở các huyện Chư Jút, Đắk R’lấp và Đắk Glong.Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu tại Đắk Nông những năm qua chỉ mới manh nha theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch, định hướng cụ thể.

HTX Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Nam Hà hiện có hơn 100 ha gấc

Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nam Hà, thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) được coi là một trong những người đi đầu trong việc trồng, sản xuất dược liệu của tỉnh. Qua việc tìm hiểu thông tin từ sách, báo, tivi, ông Định biết được các tác dụng của quả gấc đối với việc chăm sóc sức khỏe cho con người. Từ đầu năm 2011, ông đã mạnh dạn chặt bỏ 6 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp để trồng gấc, sau đó hợp tác với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Định, cây gấc không kén đất, có sức chống chịu tốt, ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao và ít phải đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán, bình quân 1 ha đất trồng được khoảng 450 gốc gấc, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch trong vòng 20-25 năm. Những vườn gấc được chăm sóc tốt thì 1 ha sẽ đạt năng suất khoảng 18 tấn trong năm thứ nhất, sang năm thứ hai lên đến 36 tấn/năm và tiếp tục tăng lên cao trong những năm tiếp theo...

Trên thị trường, ngoài việc làm thực phẩm thì cây gấc còn được sử dụng nhiều trong y học, nhất là làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.  Hiện nay, giá gấc được thu mua khoảng 7.000 đồng/kg nên 1 ha gấc, nông dân có thể thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.

ADQuảng cáo

Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nam Hà cho biết: Hiện nay diện tích trồng gấc của đơn vị đã hơn 100 ha với khoảng 200 thành viên tham gia, trong đó tập trung chủ yếu ở Chư Jút với 50 ha và Krông Nô 15 ha, còn lại là trồng tại địa bàn Đắk Lắk. Tuy nhiên sự phát triển của đơn vị cũng còn gặp nhiều khó khăn do phải tự tìm tòi, học hỏi chứ chưa có căn cứ, cơ sở khoa học nào từ  Nhà nước về các điều kiện cần thiết đối với đất đai, khí hậu, sâu bệnh hại và những hỗ trợ khác. Tôi cho rằng việc Tỉnh ủy chỉ đạo lập quy hoạch về phát triển cây dược liệu sẽ là cơ sở tạo động lực mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp có cái nhìn nghiêm túc hơn về lợi thế này. Hiện nay, sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên đang là xu hướng tiêu dùng của đông đảo người dân cả trong nước và quốc tế nên thị trường khá rộng mở.

Tương tự, những năm qua, Công ty TNHH Bảo Quốc An Khang (TP. Hồ Chí Minh) cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Công ty đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống nhà lưới, tưới nước, bón phân bằng hệ thống tiết kiệm để trồng các loại dược liệu như trinh nữ hoàng cung, vông nem, hoa sứ... trên diện tích 6 ha tại xã Đắk Sin (Đắk R’lấp).

Trong quá trình chăm sóc, Công ty chú trọng áp dụng các biện pháp sinh học, an toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn dược liệu sạch cung cấp cho bạn hàng là Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (Hà Nội). Mỗi năm, đơn vị sản xuất được khoảng 6 tấn nguyên liệu khô/ha, giá trung bình 50 triệu đồng/tấn, lợi nhuận thu được trên 150 triệu đồng/ha.

Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1976/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Tây Nguyên là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu của cả nước  được quy hoạch để phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm: gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ... với diện tích khoảng 2.000 ha. Trong đó, Đắk Nông được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng dược liệu và được đưa vào quy hoạch với vai trò là một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển dược liệu đến 2020, định hướng đến 2030.

Bắt đầu từ quy hoạch

Theo nội dung Chỉ thị số 22CT-TU, để công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó trước tiên tỉnh Đắk Nông cần sớm xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu đến năm 2030; thực hiện quy hoạch đất đai, mở rộng diện tích các vùng trồng dược liệu và nghiên cứu, quy hoạch khu vực rừng, đất rừng để bảo tồn những loài cây dược liệu quý, mở rộng sản xuất các dược liệu có thế mạnh của tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Nông, trong đó ưu tiên lồng ghép với quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu tỉnh Đắk Nông gắn với xem xét bố trí kinh phí để triển khai quy hoạch. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn nhằm khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các khâu bảo quản, chế biến theo hướng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ việc phát triển cây dược liệu và nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ các dược liệu trên địa bàn gắn với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng việc bảo tồn, phát huy.

Có thể thấy, trước thực trạng quy mô phát triển cây dược liệu còn nhỏ lẻ, chưa mang lại hiệu quả đồng bộ, việc Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chỉ thị 22 đã đáp ứng yêu cầu cơ bản, cần thiết về thúc đẩy sản xuất cây dược liệu theo hướng quy mô lớn gắn với bảo tồn, tiêu thụ trong chuỗi giá trị. Đồng thời, Chỉ thị cũng giúp cho ngành chức năng, các địa phương có sự nhìn nhận lại vai trò, vị trí của cây dược liệu  đối với việc giúp nhân dân phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực để cây dược liệu phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO