Tạo lập cơ nghiệp từ xuất khẩu lao động

Thanh Nga| 03/01/2017 11:14

Gia đình ông Nguyễn Văn Phong ở tổ dân phố 3, thị trấn Đức An (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có 5 người con thì có đến 3 người tuy đã tốt nghiệp đại học, nhưng đều rủ nhau đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đây có thể được xem là một điển hình trong việc đổi mới tư duy, mạnh dạn tiếp cận với hình thức XKLĐ để tích lũy vốn liếng, tạo lập cơ nghiệp, vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Văn Làn (SN 1989) là con trai đầu của ông Phong, năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Đại học Đà Lạt, anh đã mạnh dạn đi XKLĐ tại Nhật Bản. Theo anh cho biết, sau khi ra trường, anh đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tìm việc làm và được biết có chương trình tuyển thực tập sinh tại Nhật Bản ưu tiên cho các bạn trẻ tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Về suy nghĩ, bàn với gia đình và được mọi người ủng hộ, anh quyết định nộp hồ sơ đi theo diện thực tập sinh.

Trong số hàng trăm thí sinh của 3 tỉnh đăng ký dự tuyển ra Hà Nội thì năm đó chỉ có 3 người đạt tiêu chuẩn, trong đó có anh. Đến đất nước Nhật Bản, anh làm việc tại một công ty sản xuất nội thất. Hiện tại, anh Làn đã về nước hơn 1 năm và đang tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Làn (bên trái) cùng cha Nguyễn Văn Phong trao đổi kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu

Anh Làn chia sẻ: “Trong những năm làm việc tại đất khách, có những lúc cảm thấy nhớ nhà, nhưng nghĩ đến tương lai nên tôi luôn nỗ lực vượt qua. Sau 3 năm vừa học, vừa làm, trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt, tôi còn gửi về cho gia đình một số vốn khá lớn. Từ số vốn đó, gia đình đã mua cho tôi gần 3 ha đất để trồng cà phê, hồ tiêu, chanh dây. Bây giờ thấy quyết định ngày đó là đúng, về nước và lập gia đình, tôi đã có một số vốn đáng kể để làm ăn, phát triển kinh tế”.

Theo anh Làn tâm sự thì điều đáng nói nữa là anh cũng học được người Nhật phong cách làm việc, tính kỷ luật. Họ thường đến trước giờ để chuẩn bị khi vào làm việc với tâm trạng thoải mái nhằm đạt năng suất lao động cao. Môi trường làm việc thì an toàn, bảo đảm cho người lao động phát huy hết khả năng, tư duy của mình. Việc thưởng, phạt rõ ràng, ai làm gì sai thì chấp nhận và sửa chữa, chứ không đổ lỗi cho người khác. Với vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm làm việc ở nước bạn, anh đang ấp ủ sau này kinh tế vững hơn sẽ sử dụng tấm bằng đại học để mở đại lý hoặc doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực công nghệ sinh học, góp phần nhỏ bé phục vụ bà con địa phương trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

Quả thật, nhìn vườn cây xanh tốt, ngay hàng thẳng lối, được đầu tư một cách bài bản cũng đủ thấy anh Làn đang vận dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm trong những năm lao động ở Nhật Bản vào thực tiễn sản xuất như thế nào.

ADQuảng cáo

XKLĐ cũng là quyết tâm của Nguyễn Thị Duy (em gái của anh Làn) từ khi còn là sinh viên Đại học Tài chính TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, được gia đình đồng thuận, Duy đã quyết định đi XKLĐ tại thị trường Đài Loan, làm việc tại một công ty sản xuất hàng điện tử. Chuyện quyết tâm tham gia XKLĐ của Duy mà như gia đình cho biết cũng xuất phát từ việc muốn bay nhảy, nối tiếp chân anh, nhất là cố gắng tích lũy vốn liếng để về quê tự lập làm ăn, không dựa dẫm vào ai cả.

Ông Phong tâm sự: “Năm 2013, trong khi người ta về quê ăn Tết thì con gái tôi lại đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi XKLĐ tại đất khách nên ai cũng thấy thương. Tuy nhiên, sau đó niềm vui đã nhân lên khi con điện thoại về báo công việc nhẹ nhàng và phù hợp. Với vốn tiếng Trung Quốc thông thạo, Duy được bố trí đứng máy làm khâu đánh dấu vào phiếu hướng dẫn sử dụng trang thiết bị điện tử. Sau 1 năm làm việc, thấy Duy có năng lực nên công ty đưa lên làm kế toán và phụ trách công tác quản lý. So với làm việc tại Nhật Bản thì thu nhập Đài Loan thấp hơn, nhưng mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, Duy còn gửi về nhà 10 triệu đồng, tháng nào làm thêm thì được vài chục triệu đồng. Tết này, Duy hết hợp đồng và trở về nước sum vầy, đón tết cùng gia đình. Với số vốn tích lũy được trong những năm lao động xa nhà, khi nào Duy về, gia đình cũng sẽ tính toán đầu tư làm ăn như thế nào cho phù hợp, nhưng chủ yếu là theo ý muốn của con gái là chính”.

Con gái thứ 3 của ông Phong là Nguyễn Thị Tâm cũng vừa tốt nghiệp Đại học Tài chính TP. Hồ Chí Minh, nhưng chưa vội tìm việc làm. Mới đây, Tâm đã đăng ký học tiếng Hàn Quốc tại thị xã Gia Nghĩa để sắp tới đi XKLĐ.

Tâm chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu thấy XKLĐ sang Hàn Quốc triển vọng nên đang theo học tiếng Hàn Quốc. Đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, thì tuổi trẻ như mình cần phải tiếp cận cơ hội để vươn lên trong cuộc sống, thậm chí chấp nhận đi xa vài năm, tích lũy vốn, tạo lập cơ nghiệp sau này”.  

Theo ông Phong, bên cạnh tích lũy được vốn để về quê phát triển kinh tế, các con ông còn có thể cọ xát với môi trường và tích lũy được kiến thức ở một đất nước tiên tiến, rất cần thiết cho cuộc sống về sau này. Tuổi trẻ thì phải hội nhập, nắm bắt cơ hội, lấy nguồn vốn ngoại tệ đầu tư vào sản xuất tại địa phương, lập thân, lập nghiệp vững vàng.

Theo ông Trịnh Công Phái, Trưởng Phòng Quản lý lao động (Sở Lao động, Thương binh - Xã hội), chương trình XKLĐ của tỉnh luôn quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi từ vay vốn làm hồ sơ, học giáo dục định hướng cho đến khi xuất cảnh, nên người lao động dễ dàng tham gia. Nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt cơ hội để đi XKLĐ, học hỏi tại các nước tiên tiến và tích lũy vốn, khi về nước có thể giúp đỡ gia đình hoặc dễ tìm việc làm tại các công ty nước ngoài vì đã có kinh nghiệm làm việc và vốn ngoại ngữ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lập cơ nghiệp từ xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO