Tạo ra “lợi thế động” để tối ưu hóa nguồn lực cho phát triển vùng Tây Nguyên

Hà An| 05/04/2017 14:09

Liên kết vùng là vấn đề được các tỉnh Tây Nguyên đưa ra bàn thảo tại rất nhiều diễn đàn, nhất là các diễn đàn tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng thời gian qua. Song, những hành động, việc làm cụ thể cho liên kết vùng hiện nay trong khu vực là chưa nhiều. Vì vậy, Tây Nguyên đang chủ yếu dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương mà chưa phát huy được “lợi thế động” từ liên kết vùng để tối ưu hóa nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

ADQuảng cáo

Doanh nghiệp Đắk Nông quảng bá sản phẩm cà phê tại một diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào tháng 3 vừa qua, vấn đề liên kết vùng lại một lần nữa được các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh đề cập, phân tích và thảo luận. Việc liên kết là điều cần làm thì ai cũng biết, thế nhưng liên kết như thế nào, trình tự ưu tiên ra sao lại là điều không hề đơn giản.

Có ý kiến cho rằng, chỉ một việc đơn giản, dễ làm nhất thể hiện quyết tâm liên kết của vùng Tây Nguyên đó là việc xây dựng, phát hành cẩm nang khu vực Tây Nguyên hay đại loại như thông tin, hình ảnh chung cho khu vực để quảng bá tại các hội nghị xúc tiến đầu tư chúng ta vẫn chưa làm được.

Tại các lần hội nghị xúc tiến đầu tư hay các diễn đàn mang tầm khu vực, bên trong nghị trường thì đề cập đến liên kết vùng nhưng phía ngoài hành lang, đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày cũng chỉ tiếp cận được những thông tin “cắt khúc” về tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh trong khu vực. Thậm chí, cũng là tiềm năng đó nhưng tỉnh nào cũng đưa vào để quảng bá, giới thiệu.

Cũng là cà phê, điều hay hồ tiêu, người ta cũng chỉ tìm thấy ở các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm các tỉnh những thương hiệu nhỏ lẻ, khác nhau mà chưa có sản phẩm nào mang thương hiệu chung của khu vực Tây Nguyên, biểu trưng cho tính liên kết của vùng.

ADQuảng cáo

Ngay cả du lịch, lĩnh vực mà Tây Nguyên được đánh giá là có nhiều thế mạnh và đòi hỏi tính liên kết vùng rất cao nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” đang tạo ra cho du khách một cái nhìn thiếu toàn diện, đầy đủ về Tây Nguyên. Tính liên kết vùng chưa cao còn thể hiện rõ trong kêu gọi, thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng…

Các chuyên gia kinh tế đầu ngành cho rằng, nếu Tây Nguyên chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

Vì thế, hơn bao giờ hết, các tỉnh Tây Nguyên phải nhanh chóng bắt tay vào những hành động cụ thể từ xây dựng chính sách, hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế vùng với vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trở thành trung tâm điều tiết, phối hợp vùng để cơ cấu lại nền kinh tế vùng, phát triển nhanh và bền vững. Từ đây, Tây Nguyên mới phân bố hợp lý nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trên cơ sở định hướng chung, tránh tình trạng “dẫm chân nhau” trong thu hút, huy động và phát huy nguồn lực như hiện nay.

Mặt khác, khi đã có cơ chế, chính sách liên kết, Tây Nguyên sẽ xác định và xây dựng được những sản phẩm chủ lực của vùng để phân khúc thị trường và xác định vùng khuyến khích đầu tư hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với thu hút đầu tư, thay vì “mạnh ai nấy làm”, Tây Nguyên cần tập trung thu hút những dự án lớn, có tính liên vùng để phát triển hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, công tác xóa đói, giảm nghèo…

Rõ ràng, liên kết là xu thế tất yếu đã và đang được khẳng định. Vì thế, vấn đề hiện nay không còn là bàn luận mà cần những hành động, việc làm cụ thể, rõ ràng hơn từ chính quyền các địa phương trong vùng Tây Nguyên.        

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo ra “lợi thế động” để tối ưu hóa nguồn lực cho phát triển vùng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO