Tạo vùng sản xuất cây ăn trái tập trung để xuất khẩu

Kim Ngân| 18/07/2022 06:02

Đắk Nông có nhiều tiềm năng xuất khẩu xoài, bơ, sầu riêng. Do đó, việc phát triển thành vùng trồng tập trung, theo chuỗi giá trị sẽ giúp cho các sản phẩm trái cây này tăng cơ hội xuất khẩu tốt hơn.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của ngành chức năng, diện tích xoài, bơ, sầu riêng chủ yếu tập trung tại huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R'lấp và TP. Gia Nghĩa. Diện tích 3 loại cây trồng này chiếm khoảng 88% diện tích cây ăn trái của tỉnh.

Đối với cây xoài, toàn tỉnh đang có 1.770 ha và 90% diện tích tập trung tại hai huyện Cư Jút và Đắk Mil. Trong số này, có trên 377 ha xoài được nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thế nhưng, với diện tích này, việc hướng đến quy trình bảo quản, đóng gói, tiến tới chế biến sâu sản phẩm xoài là rất khó khăn, nhất là việc bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bởi vì, quy mô nguồn nguyên liệu như vậy là chưa đủ lớn. Các doanh nghiệp vì thế rất khó đầu tư hạ tầng, nhà máy để chế biến, bảo quản sản phẩm. Chính vì vậy, Đắk Nông cần tính toán xây dựng vùng nguyên liệu xoài bảo đảm hơn.

Người dân xã Cư K’nia (Cư Jút) chú trọng sản xuất xoài theo hướng VietGAP

Hiện nay, huyện Đắk Mil không còn khả năng mở rộng thêm diện tích cây ăn quả nói chung, xoài nói riêng. Huyện Cư Jút chỉ có khả năng mở rộng thêm gần 300 ha xoài.

Việc mở rộng thêm diện tích xoài sẽ phải hướng đến những huyện khác như Krông Nô, Đắk Song, Đắk R’lấp và Tuy Đức. Để phát triển diện tích xoài ở các địa bàn này, cũng cần có sự đánh giá, khảo nghiệm và quy hoạch cụ thể.

Toàn tỉnh đang có 4.528 ha, tập trung nhiều nhất ở Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và TP. Gia Nghĩa. Trong đó, diện tích sầu riêng đang sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… chỉ có 85 ha.

Sầu riêng là loại cây trồng rất khó chăm sóc. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3% diện tích sầu riêng bị bệnh dịch, cho sản lượng quả thấp. Việc sản xuất sầu riêng còn manh mún, ít liên kết theo chuỗi giá trị.

ADQuảng cáo

Do đó, chất lượng sản phẩm sầu riêng của tỉnh chưa đạt tiêu chuẩn để đưa vào các chuỗi cung ứng trên sàn thương mại điện tử hoặc xuất khẩu, nhất là vào các thị trường "khó tính".

Sầu riêng có nhiều tiềm năng xuất khẩu nếu hình thành được vùng sản xuất tập trung, theo chuỗi giá trị

Trong 5 năm gần đây, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh tăng lên xấp xỉ 4 lần, từ gần 1.000 ha lên gần 4.000 ha. Trong đó, diện tích bơ đang cho quả chiếm 54%.

Bơ tập trung nhiều nhất tại huyện Đắk Song, với 1.226 ha, tiếp đến là các huyện Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk R’lấp. Các địa bàn này có diện tích bơ chiếm 83% tổng diện tích bơ toàn tỉnh, tương đương với khoảng 3.270 ha.

Bơ cũng là loại cây trồng chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại cây ăn trái, với gần 26,7%. Thế nhưng, phần lớn diện tích bơ vẫn đang ở dạng manh mún, thiếu tập trung, chưa có nhiều chuỗi liên kết, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, để đưa trái cây xuất khẩu, đòi hỏi phải phát triển vùng trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ, với sản phẩm chất lượng cao và có nguồn nguyên liệu bền vững.

Về cơ bản, đến nay tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất bơ, xoài, sầu riêng. Trong đó, có vùng trồng xoài ở huyện Đắk Mil, Cư Jút và sẽ được mở rộng thêm ở Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk R’lấp.

Đối với sầu riêng, diện tích tập trung nhiều ở Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp. Các địa bàn khác cũng đang có nhiều triển vọng để phát triển diện tích sầu riêng.

Riêng đối với bơ, diện tích trên địa bàn đã rất lớn. Điều cần thêm đối với cây trồng này là nâng cao giá trị sản phẩm, chế biến sâu và đầu tư cho khâu bảo quản...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo vùng sản xuất cây ăn trái tập trung để xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO