Tập trung các giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp

Lê Dung| 05/04/2018 09:17

Cùng với việc đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ của các cấp, ngành, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Nhờ đó, trong 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh đã thực hiện được 2.193,63 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ năm 2017.

ADQuảng cáo

Sản xuất mầm tinh tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp)

Theo đánh giá của ngành Công thương, trong 4 lĩnh vực sản xuất của ngành thì đã có 3 lĩnh vực tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.760,56 tỷ đồng, tăng 9,15%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt 357,9 tỷ đồng, tăng 11,99%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: 16,5 tỷ đồng, tăng 20,94%.

Trong số 20 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đã có 12 sản phẩm tăng trưởng cao về sản lượng trong quý I so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: Điện sản xuất: 160,37 triệu kWh, tăng 52,73%; sản phẩm alumin: 160 nghìn tấn, tăng 25%; nước máy: 828,33 nghìn m3, tăng 22,12%; tinh bột sắn: 3.328,6 tấn, tăng 19,37%; cà phê bột: 360 tấn, tăng 18%...

Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc ngành có được sự tăng trưởng khá như trên là xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, Nhà máy Alumin Nhân Cơ tiếp tục hoạt động ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch đề ra. Thời tiết thuận lợi cũng đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất của các nhà máy thủy điện trên địa bàn.

Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nỗ lực trong việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm của công nghiệp chế biến nông sản và một số sản phẩm công nghiệp ra thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán...

ADQuảng cáo

Gia công và sửa chữa cơ khí tại Hộ kinh doanh Huy Phát (Gia Nghĩa)

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành chức năng thì hiện nay, mặc dù sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự tăng trưởng, nhưng về giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn còn khá chậm. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của tỉnh rất hạn chế. Thời gian qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác, tạo thành chuỗi giá trị phù hợp với cơ chế thị trường.

Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp lại rất thấp nên ít có sản phẩm mới với giá trị gia tăng cao. Trong khi đa phần các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh lại đang ở quy mô vừa và nhỏ, thiếu năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh. Mặc dù các doanh nghiệp đã có sự đổi mới về công nghệ nhưng hầu như chưa tạo được sự đột phá. Sản phẩm được sản xuất ra chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế nên phụ thuộc rất lớn vào sự biến động về giá cả và nhu cầu của thị trường, vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại thiếu tính bền vững...

Đặc biệt, trong quý I, một số sản phẩm công nghiệp trên địa bàn vẫn đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, dẫn đến sản lượng giảm rõ rệt so với cùng kỳ. Đơn cử như: Cồn tinh luyện giảm 59%; ván MDF giảm 13%; bàn ghế, giường tủ bằng gỗ các loại giảm 25,6%; mủ cao su giảm 27%; hạt điều nhân giảm 51,5%... Ngoài ra, một số lò gạch thủ công ở huyện Krông Nô đã ngừng hoạt động theo lộ trình và nhà máy sản xuất gạch của Công ty cổ phần Tài chính AST, xã Đắk Ha (Đắk Glong) hiện đang tạm ngưng hoạt động (do tiêu thụ khó khăn) đã làm cho sản lượng gạch sản xuất giảm so với trước...

Để phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 2.406,4 tỷ đồng trong quý II, ngành Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp. Đơn vị sẽ phối hợp với các cấp, ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện dự án, khắc phục tình trạng chậm trễ về tiến độ, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, trong các chương trình hỗ trợ, ngành sẽ tập trung cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại. Qua đó kịp thời giúp các thành phần kinh tế tích cực đầu tư, cải tiến công nghệ, trang thiết bị, đổi mới mẫu mã, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Khi chi phí sản xuất giảm sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của tỉnh trên thị trường trong nước và ngoài nước...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung các giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO