Tập trung chăm sóc cây trồng vụ hè thu

Văn Tâm| 31/08/2021 08:51

Người dân các địa phương đang bước vào giai đoạn chăm sóc tổng lực cho cây trồng vụ hè thu. Nhờ chủ động phương án sản xuất, thời tiết thuận lợi, nên cây trồng vụ hè thu đang phát triển tốt.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 84.429 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước chiếm 7.710 ha, ngô 24.333 ha, lạc 1.728 ha, đậu nành 2.030 ha…

Nhờ chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi, các loại cây trồng vụ hè thu phát triển nhanh

Bước vào sản xuất vụ hè thu năm nay thời tiết tương đối thuận lợi. Do đó, bà con nông dân đã chủ động xuống giống, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ trong canh tác phù hợp.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, các loại cây trồng vụ hè thu sinh trưởng, phát triển khá tốt. Đến nay, tại một số địa bàn trọng điểm về cây lương thực, thực phẩm như: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song… đang chuẩn bị thu hoạch.

Trong đó, một số diện tích ngô lai, đậu ở Cư Jút đã được thu hoạch. Diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, một số nơi gieo sạ sớm đang chuẩn bị đón đòng.

Gia đình ông Nông Văn Hiền, xã Đắk D'rông (Cư Jút), vụ hè thu này xuống giống trên 1 ha ngô, đậu nành. Ông Hiền cho biết, năm nay mùa mưa đến khá phù hợp với thời vụ gieo trồng.

Diện tích ngô của gia đình ông đến nay đã được thu hoạch. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh từ đầu, nên năng suất ngô đạt trên 8 tấn/ha, cao hơn vụ năm ngoái khá nhiều. Đối với diện tích đậu nành, gia đình đang tập trung chăm sóc để bảo đảm năng suất cao.

Người dân thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút) tích cực theo dõi ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông

Bà Lê Thị Lan, thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút) cho biết, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bà con nông dân trong thôn thường xuyên bám đồng ruộng để chăm sóc cây trồng.

Hầu hết bà con vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất. "Chúng tôi không để việc đồng áng bị chậm trễ, cây trồng thiếu chăm sóc", bà Lan chia sẻ.

ADQuảng cáo

Vụ hè thu này, người dân chủ yếu sử dụng các giống lúa thuần RVT, ST24, LH12, BTE1, TH3... Còn đối với diện tích ngô, người dân vẫn sử dụng các giống phổ biến như DK 888, V98-2, NK66, NK67…

Ngoài ra, các giống lạc L14, L23, SVL1; đậu xanh HL89-E3, V91-15; giống đậu nành Vinasoy 1, Vinasoy 2, DT 84, DT 2000… được bà con sử dụng nhiều để canh tác.

Tại huyện Krông Nô, vụ hè thu năm 2021, toàn huyện xuống giống 53.340 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày là 18.011 ha, diện tích cây lâu năm 35.329 ha.

Vụ này, tổng sản lượng lương thực của huyện ước đạt 99.447 tấn, trong đó, lúa 17.451 tấn, ngô 81.996 tấn. Hầu hết các loại cây trồng đều phát triển tốt, ít xảy ra sâu bệnh.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô, vụ hè thu, huyện đã xây dựng phương án sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết và dịch bệnh.

Trong đó, huyện khuyến cáo người dân xuống giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ nhằm đạt kết quả cao trong sản xuất. Huyện triển khai phương án vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì vừa sản xuất.

Các hộ dân xã Trường Xuân (Đắk Song) phát triển rau xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Cũng như huyện Krông Nô, Cư Jút, các huyện còn lại đã, đang nỗ lực giúp người dân đẩy mạnh sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Các huyện đã chủ động tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông.

Vụ hè thu này, các huyện đều ưu tiên sản xuất cây lương thực, thực phẩm nhằm góp phần bảo đảm ổn định đời sống và phục vụ nhiệm vụ chống dịch.

Ngành Nông nghiệp các huyện tích cực xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chế biến và bảo đảm thu mua, cung ứng lương thực, thực phẩm phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Cùng với phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi, mưa lũ, dịch bệnh trên cây trồng, giúp người dân sản xuất hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung chăm sóc cây trồng vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO