Tây Nguyên cần thoát khỏi "vùng lõm"

Đức Diệu| 17/03/2017 10:05

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên 2017 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tây Nguyên được xem là nóc nhà của Đông Dương, là vùng chiến lược quan trọng và hội đủ những tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, hiện đây vẫn là vùng phát triển chậm trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Đây không chỉ là trăn trở riêng của các dân tộc Tây Nguyên mà là trách nhiệm chung của Chính phủ, bộ, ngành và bạn bè quốc tế”.

ADQuảng cáo

Lễ hội đường phố nằm trong chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Ảnh: Lê Phước

Thu hút vốn FDI thấp

Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, thu hút đầu tư vào khu vực Tây Nguyên trong những năm gần đây luôn có đà tăng trưởng tốt.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên trên 265,7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt trên 11,3%/năm, trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm, khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm. Vốn đầu tư giai đoạn này tăng mạnh nhất là ở tỉnh Đắk Nông, gấp 2,5 lần, tăng bình quân 20%/năm, trong đó, đầu tư phát triển giao thông tăng 4,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng lên khá cao, với trên 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so với năm 2015.

Tuy nhiên, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Tây Nguyên lại khá khiêm tốn so với các vùng trong cả nước. Đến nay, 5 tỉnh Tây Nguyên mới thu hút được 128 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư 818,7 triệu USD. Các dự án này chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì dự án FDI đã đầu tư vào vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 0,64% về số lượng dự án và 0,25% về tổng vốn đầu tư so với cả nước. Chưa kể đến, số dự án FDI hiện có ở Tây Nguyên chủ yếu tập trung tại tỉnh Lâm Đồng với gần 60% số dự án, các tỉnh còn lại đã có dự án nhưng rất ít, số vốn đầu tư không đáng kể. Nhiều chuyên gia cho rằng đây đang thực sự là “nút thắt” mà các tỉnh Tây Nguyên phải tìm hướng tháo gỡ. Bởi vì, xét về lợi thế so sánh, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, cơ hội hơn một số vùng trong nước, cụ thể là Tây Bắc.

Bên cạnh đó, xu thế  dòng vốn FDI vào nước ta những năm gần đây đang chuyển mạnh vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch và du lịch. Đây là những thế mạnh của Tây Nguyên đã được nhận diện khá lâu. Phải chăng các tỉnh Tây Nguyên chưa “bắt đúng mạch” trong hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như xây dựng các chính sách nội vùng phù hợp?.

ADQuảng cáo

Vẫn còn nhiều… “vùng lõm”

Mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương nhưng Tây Nguyên lại đang có khá nhiều “vùng lõm” so với  các vùng trong cả nước. Ngoài thu hút vốn FDI hạn chế, “vùng lõm” dễ thấy nhất là thu nhập bình quân đầu người vùng Tây Nguyên đang thấp hơn mức chung của cả nước. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp Tây Nguyên cũng thấp nhất trong 6 vùng kinh tế. Trình độ, chất lượng nguồn nhân lực Tây Nguyên cũng đang được xếp vị trí cuối của các vùng. Đây có phải là một nghịch lý mà các tỉnh Tây Nguyên cần làm rõ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Song (Đắk Nông) được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Trên góc độ nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế thì các vấn đề đã nêu đều có một mối liên hệ, tác động lẫn nhau khiến Tây Nguyên chưa phải là vùng phát triển nhanh, mạnh của cả nước.

Đơn cử như lý giải về thu hút vốn FDI vào Tây Nguyên đạt thấp, một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Phần lớn khi vào Tây Nguyên, ngoài một số cảng hàng không, chủ yếu di chuyển, lưu thông bằng đường bộ, thậm chí có nhiều tuyến giao thông “độc đạo” chứ chưa có đường sắt, đường thủy để giao thương với các cảng lớn tại những vùng kinh tế động lực.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư Tây Nguyên vẫn còn nhỏ lẻ, cắt khúc, chưa mang tính liên kết, liên thông cao. Rõ nhất là hiện vẫn duy trì tình trạng mỗi tỉnh có một chính sách riêng, tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các tỉnh có lợi thế về nguồn lực và các tỉnh yếu thế hơn.  

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, người đã và đang có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về Tây Nguyên thì đầu tư vào Đắk Nông chưa xứng tầm trước hết là do công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá và thu hút đầu tư chưa "xứng tầm". Xét trên phương diện nào đó, bộ phận xúc tiến đầu tư các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực nhưng những nỗ lực đó lại bị hạn chế về cách thức, tư duy xúc tiến lạc hậu. Nếu tỉnh nào mạnh dạn thuê các công ty xúc tiến đầu tư nước ngoài thì biết đâu sẽ có khởi sắc. Chưa kể đến, là vùng có đa sắc tộc, tôn giáo, văn hóa nên việc ban hành, tổ chức và thực thi chính sách cũng mang tính đặc thù, đó là sự cắt khúc, manh mún, nhỏ lẻ. Áp lực dân di cư tự do cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến Tây Nguyên đang ở tình trạng “vùng trũng” về thu nhập bình quân đầu người, giáo dục và chỉ số các ngành kinh tế…

Ở góc độ khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngoài các nguyên nhân trên, phải chăng do thuộc vùng trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh nên Tây Nguyên đã quen với tư duy ổn định. Tư duy này nếu đặt trong giai đoạn chuyển động nhanh như hiện nay thì việc phải bỏ lại sau là điều dễ hiểu. Bởi nếu lấy cái tĩnh đặt trong cái động sẽ rất khó phát triển. Vì thế, các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm theo hướng bắt nhịp với những chuyển động nhanh của nền kinh tế để làm cơ sở ổn định quốc phòng, an ninh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên cần thoát khỏi "vùng lõm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO