Tây Nguyên chú trọng phát triển nhiều sản phẩm thế mạnh OCOP

Bình Minh| 04/12/2019 09:45

Sau một năm thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 tại các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng xác định được các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, tích cực hỗ trợ và bước đầu tạo sức lan tỏa rộng rãi.

ADQuảng cáo

Đa dạng hóa sản phẩm

Tại Gia Lai, tỉnh này đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển, hoàn thiện 104 sản phẩm, dịch vụ lợi thế thành sản phẩm OCOP. Trong đó, giai đoạn 2018-2020, Gia Lai có 34 sản phẩm (trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố hàng năm có ít nhất 1-2 sản phẩm, dịch vụ và lựa chọn ít nhất 10-20 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh). Giai đoạn 2021-2030 có 70 sản phẩm (trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố hàng năm có ít nhất 3-5 sản phẩm, dịch vụ và lựa chọn ít nhất 20-30 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh). Riêng năm 2019, tỉnh phấn đấu có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đối với Kon Tum, thực hiện Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030”, các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và 14 sản phẩm du lịch.

Sản phẩm mật ong Chư Yang Sin của tỉnh Đắk Lắk tham gia quảng bá sản phẩm Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk năm 2019. Ảnh tư liệu

Tại Đắk Lắk theo đề án OCOP, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Đắk Lắk sẽ phát triển 84 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ tập trung vào 6 nhóm, ngành hàng bao gồm: Nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Trong đó, giai đoạn 2018-2020, Đắk Lắk sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, câu chuyện sản phẩm, xúc tiến thương mại cho 27 sản phẩm; phân bố tối thiểu mỗi huyện có 1 sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 36 chủ thể tham gia với 11 sản phẩm gồm: Hạt hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, cá thát lát, thịt lợn. Nhóm đồ uống có 15 chủ thể tham gia với 5 sản phẩm gồm: Cà phê, trà thảo mộc Xuân Sang, trà mãng cầu, rượu mắc ca, chanh dây. Nhóm thảo dược có 6 chủ thể tham gia với 4 sản phẩm gồm: Thuốc Ama Kông, tinh bột nghệ, tinh dầu sả Java, tinh dầu sả Anh Nhân. Nhóm vải và may mặc có 5 chủ thể tham gia cùng 1 sản phẩm là dệt thổ cẩm. Nhóm trang trí - nội thất - lưu niệm có 1 sản phẩm với 1 chủ thể tham gia. Nhóm du lịch có 5 chủ thể tham gia với 5 sản phẩm  là các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, chuỗi du lịch. Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát triển 57 sản phẩm. Giai đoạn này, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, sản xuất thử nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm (nguyên liệu bán thành phẩm, thành phẩm), công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất đại trà cho 57 sản phẩm với 128 chủ thể.

Xây dựng các sản phẩm OCOP thế mạnh, tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ xây dựng từ 20 đơn vị sản xuất trở lên, tạo ra ít nhất 20 loại sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP, ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp Quốc gia trong giai đoạn 2018-2020. Cụ thể như thành phố Đà Lạt có sản phẩm Trà và cao Atiso, sản phẩm Hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản và Hồng sấy dẻo. Thành phố Bảo Lộc có sản phẩm Lụa tơ tằm và quả măng cụt. Huyện Lạc Dương có sản phẩm Dịch vụ du lịch văn hóa truyền thống, du lịch cồng chiêng Lang Biang. Huyện Đức Trọng có sản phẩm từ quả phúc bồn tử, sản phẩm rau củ quả sấy theo công nghệ sấy thăng hoa. Huyện Đạ Huoai có sản phẩm từ quả sầu riêng và quả điều. Huyện Đạ Tẻh có sản phẩm gạo nếp quýt, gạo Việt Đài…

ADQuảng cáo

Theo Đề án phê duyệt, trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Đắk Nông xác định phát triển trên 15 sản phẩm chủ lực thuộc 6 nhóm, ngành. Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu trong giai đoạn này, sẽ có từ 3 đến 5 sản phẩm được chứng nhận đạt hạng 3 sao trở lên, sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn 2021 – 2030, bảo đảm tất cả các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm OCOP hiện có và phát triển thêm 40 sản phẩm trong giai đoạn này. Chủ thể thực hiện là lấy kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt.

Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, các tỉnh Tây Nguyên đã đặt ra mục tiêu phấn đấu phát triển gần 340 sản phẩm hàng hóa các loại thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương.

Hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm

Để hỗ trợ phát triển OCOP, tỉnh Gia Lai dự kiến đầu tư hơn 395,5 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hơn 149,4 tỷ đồng, vốn từ cộng đồng hơn 246 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2018-2020, vốn đầu tư hơn 107,4 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 288,1 tỷ đồng. Đồng thời, Gia Lai thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP về tín dụng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực... Vừa qua, Gia Lai đã tổ chức hội thảo và mời chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực OCOP về truyền đạt những kiến thức liên quan đến chương trình OCOP và chiến lược phát triển sản phẩm, tư vấn xây dựng mô hình điểm tại địa phương. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP về tín dụng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực...

Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định thúc đẩy hơn nữa quá trình tập trung đất đai, mở rộng quy mô đầu tư khai thác theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất thành nền nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, tập trung, chuyên canh đồng thời không ngừng đa dạng hóa cơ cấu SP nhằm đáp ứng cao nhu cầu của thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là xuất khẩu.Trong quá trình phát triển các sản phẩm OCOP, các chủ thể tham gia sẽ chủ động xây dựng dự án phát triển SP; từ các ý tưởng đăng ký, phê duyệt, chủ thể sẽ xây dựng dự án phát triển sản phẩm mới. Trong quá trình xây dựng, chủ thể sẽ nhận sự hướng dẫn của cán bộ OCOP, tư vấn hoặc có thể hợp đồng với đơn vị tư vấn hoàn thiện thuyết minh dự án. Sau khi hoàn thành, dự án của các chủ thể sẽ được trình lên cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt. Cán bộ OCOP các cấp sẽ hỗ trợ các chủ thể trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt dự án.

Theo nguồn kinh phí đã được phê duyệt, tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư 13,362 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 7,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các đơn vị tham gia chương trình OCOP.

Vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2019. Hội chợ có hơn 350 gian hàng tham gia. Tại đây, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tích cực giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; kết nối giao thương, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của xã, phường theo Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030 của toàn vùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên chú trọng phát triển nhiều sản phẩm thế mạnh OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO