Thách thức đối với ngành sản xuất cà phê

Bình Minh| 13/03/2018 09:13

Hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil). Thế nhưng, một vấn đề nghịch lý diễn ra là lượng cà phê nhập khẩu qua từng năm cũng ngày càng lớn và đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành sản xuất cà phê.

ADQuảng cáo

Hoạt động chế biến cà phê của Việt Nam hiện nay chủ yếu là cà phê nhân xô xuất khẩu. (Ảnh: Sơ chế cà phê nhân xô xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Trang Thịnh Vinh, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp)

Nhập khẩu tăng cao

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thì lượng cà phê nhập từ các thị trường Mỹ, Brazil và Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng. Niên vụ 2016-2017, Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường này khoảng 1 triệu bao. Niên vụ 2017-2018, lượng cà phê nhập khẩu là 1,06 triệu bao (ước khoảng trên 63.600 tấn cà phê nhân), tăng hơn 360.000 bao so với niên vụ trước; trong đó có 160.000 bao cà phê hòa tan, 340.000 bao cà phê rang và xay, 500.000 bao cà phê hạt. Hiện Việt Nam nhập khẩu cả cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia…

Gần 90% cà phê của Việt Nam được xuất khẩu ở dạng thô nên giá trị mang lại chưa cao, trong khi phải nhập khẩu cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ nước ngoài với giá khá cao. Hiện tại, giá cà phê thô xuất khẩu chỉ 3 USD/kg, nhưng nếu qua khâu chế biến, bán ra hoặc nhập khẩu lên tới khoảng 50 - 70 USD/kg.

Công nghiệp chế biến yếu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp-PTNT) thì ước tính trên 80% sản lượng cà phê được sơ chế khô tại các hộ gia đình với sân phơi tạm bợ như sân đất, sân đất kết hợp bạt hoặc xi măng. Do máy móc, thiết bị sơ chế của người dân còn lạc hậu, cộng với nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, tạp chất dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp.

Đối với chế biến cà phê bột, các cơ sở chế biến chủ yếu quy mô nhỏ lẻ với máy móc, thiết bị chế tạo trong nước, một số máy móc thủ công, chưa bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc pha trộn nguyên liệu thay thế và các hóa chất chưa kiểm soát được dẫn đến những lo ngại về chất lượng cà phê bột.

Cũng theo cơ quan này, hệ thống cung ứng cà phê còn phức tạp, nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, không theo phẩm cấp, chất lượng…

ADQuảng cáo

Thống kê cho thấy, tổng công suất thực tế của cà phê chế biến sâu chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng và chủ yếu tiêu thụ trong nước. Đây là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn quy nhân nhưng cũng là mặt hàng có cơ cấu thấp nhất. Về thị trường cà phê hòa tan, do chất lượng nếm thử cà phê Việt Nam chưa phù hợp với thị trường thế giới, các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư chế biến cà phê hòa tan do vốn lớn. Công tác xúc tiến thương mại chưa được chú trọng và chưa phát huy hiệu quả. Tuy là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng ngành cà phê Việt Nam chưa chủ động được thị trường, giá cả, điều tiết lượng xuất khẩu.

Nguyên nhân sâu xa được nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo từ lâu, Việt Nam không có nền công nghiệp rang xay phối trộn cà phê chuyên nghiệp hợp “gu” toàn cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức, công nghệ và khả năng cạnh tranh với những thương hiệu cà phê rang xay, cà phê hòa tan nước ngoài. Thậm chí, một vài doanh nghiệp Việt Nam dù đã có sản phẩm xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan nhưng công nghệ rang xay, chế biến trong nước vẫn không thể theo kịp các nước trên thế giới.

Cần nâng cao chất lượng chế biến sâu

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT thì trên cơ sở định hướng phát triển của ngành nông nghiệp, các nhà máy, cơ sở chế biến cần tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Theo đó, ngành nông nghiệp không khuyến khích đầu tư xây dựng mới, hoặc mở rộng công suất thiết kế đối với các cơ sở chế biến cà phê nhân, mà tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền chế biến hiện có để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Công tác ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến cà phê hòa tan thành sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cũng cần phải được tính toán và tạo điều kiện phát triển cả về cơ chế, chính sách và quy hoạch phát triển.

Các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục triển khai một số chính sách đã ban hành; trong đó, khuyến khích thành lập quỹ xúc tiến thương mại, quỹ bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình quảng cáo kích cầu cà phê trong nước và khắc phục rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.  

Việc nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ cà phê trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến; ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh công tác khuyến nông và khuyến công trong sản xuất, chế biến qua hỗ trợ đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và cà phê tiêu dùng có vai trò rất quan trọng.

Ngoài ra, các hoạt động như tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến, kết nối chế biến với tiêu thụ qua hình thức liên doanh liên kết; củng cố tổ chức và hoạt động của các hội, hiệp hội theo hướng hiệu quả, nhất là chủ động xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và trở thành "cánh tay nối dài" trong công tác quản lý nhà nước.

Rõ ràng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chế biến sâu của ngành cà phê Việt Nam đang bị thất thế, ngay cả trên “sân nhà”. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại thực trạng toàn diện của vấn đề, đồng thời có những cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển quyết liệt, đồng bộ hơn ngay từ bây giờ, trước khi nó quá muộn.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức đối với ngành sản xuất cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO