Thanh niên Trần Văn Phú khởi nghiệp từ cà phê “sạch” bằng cách đi riêng

Đức Hùng| 23/01/2018 09:24

Để lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình, Trần Văn Phú (30 tuổi) ở thôn 8, xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), người thanh niên chân đất đang mở lối đi riêng bằng mô hình cà phê sạch, hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

ADQuảng cáo

Sau khi thu hoạch cà phê xanh sẽ được lựa bỏ ra ngoài

Sự thay đổi… “táo bạo”

Do nhà nghèo, khi học hết cấp 3 trường làng, Trần Văn Phú quyết định "gác bút nghiên” để theo nghiệp làm nông, phụ giúp gia đình, nhường quyền đi học cho các em. Năm 2013, Phú tham gia vào nhóm sản xuất cà phê bền vững 4C nhưng được 1 thời gian thì nhóm này tan rã.

Năm 2014, Phú bắt đầu tìm hướng đi cho riêng mình. Sau nhiều năm sản xuất cà phê và quan sát giá cà phê trên thị trường, Phú nhận thấy để hạt cà phê đến với cơ sở rang xay, bao giờ cũng mất một khoản tiền trung gian cho các đơn vị thu mua. Chính khoảng cách này đã khiến giá cả bán ra thấp, làm giảm thu nhập của người nông dân. Phú đã tìm cách rút ngắn khâu trung gian này bằng cách tự đi liên hệ cung cấp cà phê trực tiếp cho các nhà rang xay.

Phú lặn lội xách từng túi hàng mẫu đi “rao bán” tại các nhà máy rang xay cà phê tại TP. Hồ Chí Minh. Sau 5 tháng miệt mài đi gõ cửa các đối tác nhưng chỉ nhận được câu trả lời bằng cái lắc đầu. Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với chàng trai trẻ khi được một nhà máy rang xay nhận ký hợp đồng 1 tấn cà phê nhân kèm theo hàng loạt điều kiện về chất lượng.

Phú cho biết: “Mang sản phẩm từ mồ hôi công sức của mình làm ra trực tiếp đi giới thiệu mà bị người ta chê, tôi buồn lắm. Nhưng cũng từ đó, tôi nhận ra thị trường đòi hỏi những cái mới, muốn bắt kịp mình phải thay đổi cho phù hợp. Nhận được đơn hàng tôi sướng lắm, mệt mỏi dường như không còn”.

Phú (bên phải) trao đổi cùng người trồng cà phê

Từ đơn hàng này, Phú bắt đầu thay đổi quy trình sản xuất cà phê và lấy vườn cà phê của gia đình làm nơi thực hành. Vườn cà phê ngoài khâu chăm sóc chủ yếu bằng phân hữu cơ, hạn chế thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, Phú thu, hái, sơ chế khác hẳn cách làm truyền thống của hầu hết nông dân trong vùng. Anh chọn hái quả chín, sau đó rửa sạch, vớt hết những quả lép hạt trước khi đưa vào máy xát tươi, tách vỏ. Cà phê  nhân được Phú công phu phơi trên bạt, bảo đảm an toàn vệ sinh.

Đến lúc cà phê quả được phơi khô, xay thành cà phê nhân, anh lại nhặt bỏ hạt đen, xấu một lần nữa trước khi đóng bao. Phú cho hay: “Tôi nhận thấy cách làm cà phê truyền thống có một số hạn chế, trong đó tỷ lệ quả chín ít và chưa chú trọng đến các khâu sau thu hoạch dẫn tới chất lượng cà phê thấp, tỷ lệ cà phê đen nhiều”.

ADQuảng cáo

Sự khác biệt ở sản phẩm hạt cà phê nhân của Phú trên thị trường nằm chủ yếu ở công đoạn sơ chế sau thu hoạch. Bình thường, nông dân hái cà phê đại trà, sau đó phơi quả, tách vỏ, phơi nhân và đem bán. Quy trình của Phú phức tạp hơn, tăng lên vài bước và mất nhiều thời gian, công sức hơn. Thế nhưng Phú vẫn cặm cụi làm và sau những công đoạn ấy, chất lượng hạt cà phê nhân được nâng lên, bán giá cao hơn. Hiện nay, sản phẩm cà phê nhân của Phú được đối tác đánh giá cao và mong muốn làm ăn lâu dài, tăng số lượng hàng sau mỗi đợt thu hoạch. 

“Phu’s Fram”  là tên thương hiệu Phú đang xây dựng cho sản phẩm cà phê của mình với mong muốn tìm một chỗ đứng trên thị trường cà phê trong nước và thế giới, góp phần để mọi người biết đến cà phê Đắk Nông do chính các hộ dân trồng cà phê sản xuất ra. Bên cạnh việc sản xuất, Phú đang xúc tiến xây dựng thương hiệu và thực hiện các thủ tục để được công nhận sản xuất theo mô hình VietGAP.

Liên kết để phát triển

Năm 2017, Phú đã  ký hợp đồng tiêu thụ 20 tấn cà phê nhân với giá cao hơn thị trường từ 10 đến 15 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Hợp đồng tăng về số lượng hàng, một mình gia đình Phú không đáp ứng được nên mở rộng liên kết với các hộ dân trên địa bàn để có đủ nguyên liệu bán ra thị trường.

Phú cho biết: Lúc mới triển khai mở rộng vùng nguyên liệu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết nông dân trong vùng đều sản xuất cà phê theo cách truyền thống, để thay đổi phải cần nhiều thời gian. Yêu cầu quan trọng và khó nhất vẫn là hái cà phê chín 100%, vì nó tốn công và tốn thời gian. Tôi vừa tuyên truyền thuyết phục, vừa chứng minh bằng sản phẩm của mình bán ra thị trường trước khi ký hợp đồng thu mua sản phẩm cà phê của người dân. Giá cả cao hơn và mọi công đoạn đều được tính công và trả tiền đó là sự thuyết phục nhất để nông dân tham gia cùng tôi.

Sản phẩm cà phê nhân được bảo quản một cách hết sức cẩn thận

Từ thái độ dè dặt vì tốn công khi hái chín, hiện đã có 10 hộ dân tham gia cùng với Phú tạo thành một vùng nguyên liệu khoảng 40 ha cà phê. Với những hộ đã ký hợp đồng với Phú sẽ được thu mua với giá 12 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 – 4 ngàn đồng/kg so với giá cà phê tươi trên thị trường năm 2017 với điều kiện cà phê chín 100%. Anh Nguyễn Thanh Phong, hộ gia đình trong thôn có 1ha cà phê tham gia hợp tác với anh Phú chia sẻ: “Làm cà phê theo quy trình của Phú, nông dân chỉ cần hái chín còn lại Phú sẽ chế biến và tiêu thụ nên rất thuận lợi”.

Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, Phú đầu tư mua sắm máy rửa, máy xay, máy sàng để xử lý cà phê ngay sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, Phú còn xây dựng một nhà kính để phơi hạt cà phê tránh vật nuôi và mưa khi phơi. Hiện đang tiếp tục liên hệ để mở rộng quy mô sản xuất cà phê của mình bằng việc tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các hợp đồng. Với Phú, chất lượng là tiêu chí đầu để sản phẩm có thể sống và cạnh tranh được với thị trường.

Hiện nay, Phú mới cung cấp sản phẩm cà phê nhân chất lượng cho các đại lý thu mua để rang xay, chế biến. Trong thời gian tới, Phú đang có dự định tự mình rang xay để tạo ra sản phẩm cà phê bột bằng công thức của riêng mình. Với cách làm của Phú đã và đang dần hình thành một vùng nguyên liệu cà phê sản xuất cùng một quy trình, hướng tới nâng cao chất lượng hạt cà phê, góp phần nâng tầm vị thế cà phê của Đắk Nông trên thị trường. Phú nhận định: “Nhu cầu thị trường rất lớn và  theo hướng nông sản sạch, theo cách tôi đang làm thì người mua sẽ mua được hàng tốt, còn người sản xuất sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên Trần Văn Phú khởi nghiệp từ cà phê “sạch” bằng cách đi riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO