Tháo gỡ vướng mắc đẩy mạnh “xuất ngoại” cho nông sản

Bình Minh (t.h)| 03/04/2019 09:58

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ Nông nghiệp-PTNT, hiện nay nhiều thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam đang tăng cường hàng rào kỹ thuật kiểm soát hàng nhập khẩu. Và việc phối hợp, đàm phán giải quyết những khó khăn, vướng mắc sẽ mở đường “xuất ngoại” cho nông sản.

ADQuảng cáo

Ngoài yêu cầu các lô hàng phải được cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mới được nhập khẩu, gần đây, nhiều thị trường còn yêu cầu hàng xuất khẩu phải chứng minh được quản lý theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất đến xuất khẩu. Ngoài ra, các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia còn đặt ra những quy định chặt chẽ, đặc biệt là đối với các loại quả tươi.

Chăm sóc quả sầu riêng trái vụ tại Trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: Hồng Thoan

Theo ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Vinacam, thì Vinacam đã đầu tư công nghệ cao từ sản xuất, quản lý đồng ruộng, thu hoạch đến công nghệ sau thu hoạch, chuyên xuất khẩu gạo vào thị trường EU khó tính, vậy nhưng tại Trung Quốc vẫn chưa mở rộng thị trường được. Trung Quốc hiện đang thắt chặt và tăng cường kiểm tra kỹ thuật hàng nhập khẩu. Cái khó là không có nhiều thông tin để tiếp cận các quy định về kiểm tra và luật kiểm dịch thực vật của nước này. Vinacam đã cử nhân viên sang từng nước tìm hiểu, đồng thời phối hợp với đối tác nhập khẩu cử chuyên gia về Việt Nam tập huấn, để tiếp cận được các yêu cầu về kỹ thuật đang được dựng lên ngày càng nhiều hơn ở nhiều nước.

Việc mở rộng thêm nhiều thị trường nữa cho hoa Đà Lạt cũng gặp trở ngại do nhiều rào cản. Với xu thế hội nhập, nhiều nước đã mở cửa, nhưng việc xuất nhập khẩu cần phải đàm phán giữa chính phủ 2 nước.

Để có một năm 2019 xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh, theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, quan trọng hơn hết là doanh nghiệp (DN) phải tăng cường công đoạn chế biến, đó cũng chính là con đường duy nhất gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu.

ADQuảng cáo

Chung quanh kiến nghị của các DN về yêu cầu của nhiều quốc gia đòi phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho rau, quả tươi xuất khẩu nhưng Việt Nam chưa quy định đơn vị nào cấp giấy này, Cục BVTV cho biết đã giao Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II chịu trách nhiệm về vấn đề này. Để tránh hàng hóa xuất nhập khẩu gặp trục trặc làm tốn chi phí lưu bãi và thời gian, Cục BVTV thường xuyên mở các lớp phổ biến luật, cũng như quy định mới từ các nước nhập khẩu.

Hoạt động sơ chế khoai lang Nhật Bản xuất khẩu của một doanh nghiệp trên dịa bàn xã Quảng Tâm (Tuy Đức). Ảnh: B.M

Thời gian qua, tình trạng các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam bị nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật khá phổ biến. Để thuận tiện cho các DN, cục sẽ đàm phán với các quốc gia để kiểm soát chặt chẽ hơn việc đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật với hàng hóa nhập khẩu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, các DN cần phải liên kết với đơn vị nhập khẩu từ nước ngoài tạo chuỗi toàn cầu để đáp ứng hàng rào kỹ thuật mới về sản xuất chuỗi, truy xuất từ gốc. Để thuận lợi, các DN xuất khẩu cùng một nước, cùng chung lĩnh vực, ngành hàng cần phải liên kết với nhau, bổ sung những điều cần thiết để chia sẻ thông tin các quy định mới từ nước này.

Song điều nhiều DN băn khoăn nhất và mong mỏi nhất, đó là các cơ quan quản lý cần năng động, nhanh nhạy hơn trong việc cập nhập quy định mới từ các thị trường  nhập khẩu và triển khai nhanh để hỗ trợ DN xuất khẩu, nhất là các yêu cầu về thủ tục.

Trong khi đó, việc đầu tư đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ để thủ tục xuất khẩu đơn giản hơn, giúp DN rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục thông quan cũng hết sức cần thiết. Có như vậy, con đường “xuất ngoại” của nông sản Việt Nam mới thêm thuận lợi, bảo đảm được kế hoạch và kỳ vọng đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc đẩy mạnh “xuất ngoại” cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO