Thị trường nội địa - Cứu cánh của doanh nghiệp

Lê Dung| 16/05/2022 10:07

Thị trường thế giới đang có nhiều biến động, khiến hàng hóa xuất khẩu gặp không ít trở ngại. Do đó, nhiều doanh nghiệp của Đắk Nông đang chuyển hướng đầu tư hàng hóa thị trường nội địa, tránh bớt rủi ro.

ADQuảng cáo

Xuất khẩu ách tắc

Việc vận chuyển khó khăn cộng với các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc chưa thông khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức) gặp không ít khó khăn.

Theo ông Võ Đình Chiện, Phó Giám đốc Công ty, giá nguyên liệu đầu vào và giá đầu ra cho sản phẩm hiện rất tốt. Thế nhưng, chi phí vận chuyển lại quá cao. Trước đây, giá vận chuyển 1 container hàng chỉ vào khoảng 80 triệu đồng. Còn giờ đây tăng tới gấp 13 lần.

Ngoài ra, hàng xuất khẩu ngày càng được các nước kiểm soát chặt chẽ ở nhiều khâu. Riêng với Trung Quốc, trước kia hàng hóa chủ yếu đi qua đường tiểu ngạch, không có nhiều điều kiện bắt buộc.

Còn hiện nay, tất cả hàng hóa muốn vào được thị trường Trung Quốc phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chí như mã vùng trồng, có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng...

Chính vì vậy, hiện nay, việc xuất khẩu hàng hóa của Công ty đang phải tạm ngưng để điều chỉnh các điều kiện của hàng xuất khẩu. Điều này khiến lượng hàng chanh dây của Công ty đang tồn kho lên tới 60 tấn.

Nhiều sản phẩm hồ tiêu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song) đã hướng về thị trường nội địa

Tương tự, do thị trường Trung Quốc có sự kiểm soát chặt chẽ, nên hàng hóa của Nhà máy tinh bột sắn Đắk Song cũng đang bị ách tắc bấy lâu nay.

Theo ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Giám đốc nhà máy, nguyên liệu sắn tươi thường không thể để quá lâu, nên buộc phải chế biến ngay. Trong khi hàng hóa lại không thể thông quan.

Kho hàng của nhà máy lại không đủ sức chứa, dẫn đến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng trong quý I, sản lượng tinh bột sắn tồn kho của nhà máy đã lên tới 3.000 tấn.

ADQuảng cáo

Phát huy “sân nhà”

Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn tại thị trường xuất khẩu thì giải pháp quay về "sân nhà” vẫn là sự cứu cánh an toàn nhất.

Quyết định đưa sản phẩm quay về với thị trường nội địa được Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) thực hiện ngay từ đầu năm 2022. Trước đây, hàng hóa của Công ty chủ yếu được xuất đi Trung Quốc, châu Âu...

Thế nhưng, nhận thấy tình hình thế giới có nhiều biến động, nên Công ty đã chuyển hướng đưa 100% sản phẩm đầu tư cho “sân nhà”. Các đơn hàng đã được các đối tác ký kết ngay từ đầu năm, với khoảng 2.000 tấn, tăng 50% so với trước.

Ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay: “Do hoạt động xuất khẩu gặp quá nhiều rủi ro, giá cước tăng, phát sinh nhiều chi phí, nên Công ty quyết định không bung ra như trước, mà gói gọn lại với thị trường trong nước”.

Sản xuất chanh dây của Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức)

Quay lại với thị trường nội địa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song) cũng tập trung sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cao về chất lượng để phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Trước đây, Công ty dành phần lớn sự đầu tư cho các sản phẩm tiêu xuất khẩu. Còn năm nay, Công ty đã làm mới, đa dạng các sản phẩm nhằm tiếp cận thêm thị trường trong nước.

Trong đó, nhiều sản phẩm mới được Công ty cho ra mắt trong đầu năm nay như tương ớt, tiêu xay, tiêu bột, ớt xay, gia vị, sốt lẩu, sốt thịt nướng… đều phục vụ thị trường nội địa.

"Để sản phẩm mới tiếp cận nhanh tới người tiêu dùng trong nước, các kênh thương mại điện tử sẽ là cầu nối hiệu quả nhất trong thời điểm này", bà Huỳnh Thị Yến Nhi, quản lý nhà máy sản xuất của Công ty chia sẻ.

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh thực hiện đạt 414,8 triệu USD, tăng 60,8% so với năm trước. Sản lượng các mặt hàng xuất khẩu tăng cao chủ yếu là điều, cà phê, tiêu, gỗ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường nội địa - Cứu cánh của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO