Thiếu vốn đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Thuận An

Lê Phước| 28/03/2018 11:25

Mặc dù khả năng thu hút đầu tư tốt nhất trong các cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh nhưng hạ tầng của CCN Thuận An, ở xã Thuận An (Đắk Mil) vẫn còn thiếu và yếu. Trong khi đó, hoàn thiện hạ tầng CCN đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn.

ADQuảng cáo

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn vào hoạt động tập trung, từ năm 2007, tỉnh đã đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Thuận An. Nằm sát quốc lộ 14, CCN Thuận An được quy hoạch trên diện tích 52,22 ha, chia thành 2 giai đoạn đầu tư với tổng kinh phí dự kiến khoảng 82 tỷ đồng.

Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2012 nhưng hiện tại, CCN Thuận An mới chỉ được đầu tư cơ bản xong giai đoạn 1 với tổng giá trị khoảng 31 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng). Hiện CCN có diện tích 24,9 ha, trong đó riêng diện tích đất phục vụ hoạt động công nghiệp là 17,4 ha (còn lại là hạ tầng).

Tuyến đường chính vào CCN Thuận An xuống cấp nhưng không có kinh phí để duy tu, sửa chữa.

Do thiếu vốn, nhiều hạng mục công trình thuộc giai đoạn 1 bị đầu tư chậm, dở dang và hiện đã xuống cấp. Hệ thống thoát nước mặt chưa được đầu tư nên nước mưa chảy tràn xuống khu vực dân cư thôn Thuận Bắc của xã gây xói lở đường thôn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trong khi đó, hệ thống điện còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, chưa thể bàn giao cho ngành điện quản lý nên cũng chưa thể tiến hành duy tu, bảo dưỡng. Nhiều tuyến đường giao thông trong CCN hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu nhưng đã xuống cấp, cần phải sửa chữa…

Mặc dù tỷ lệ lấp đầy 70% giai đoạn 1 nhưng hiện có nhiều dự án ngưng hoạt động

ADQuảng cáo

Theo ông Trần Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng CCN Thuận An, hiện có 15 nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất tại CCN với diện tích 12,1 ha, tỷ lệ lấp đầy là gần 70%. Phần lớn các nhà đầu tư trong CCN hoạt động trong các lĩnh vực như: Sản xuất, chế biến nông lâm sản; chế biến vật liệu xây dựng và sản xuất, chế biến, kinh doanh phân bón. Các nhà đầu tư đăng ký tổng số vốn là 156,8 tỷ đồng và hiện đã đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất… với tổng giá trị 128,2 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong số 15 nhà đầu tư đã ký hợp đồng thì hiện chỉ có 8 nhà đầu tư đang hoạt động. Có thể kể đến một số nhà đầu tư đang hoạt động trong CCN có quy mô tương đối lớn như: Chi nhánh Công ty Cổ phần tập đoàn Intimex, Công ty TNHH Xây dựng Nam Thắng Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hiệp Phát… Do một số nguyên nhân như: Thiếu nguyên liệu đầu vào, sản phẩm tiêu thụ khó khăn… 3 nhà đầu tư đã tạm ngưng hoạt động. Riêng 4 nhà đầu tư mới ký hợp đồng thì hiện mới chỉ đang hoặc chuẩn bị triển khai dự án.

Theo ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở KH&ÐT, nhu cầu vốn để hoàn thiện CCN Thuận An là khá lớn nhưng theo quy định thì ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ tối đa 6 tỷ đồng/1 CCN. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho CCN Thuận An là rất khó vì khả năng thu hút đầu tư còn kém. Trong lúc chờ đợi nguồn vốn đầu tư CCN Thuận An, đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan đẩy mạnh xúc tiến, thu hút thêm nhà đầu tư vào hoạt động trong CCN để phát huy hiệu quả nguồn ngân sách đã đầu tư tại đây.

Theo ông Trần Hữu Hạnh, 30% quỹ đất trống còn lại trong CCN Thuận An đã được quy hoạch để phát triển công nghiệp nhẹ. Thời gian qua, một số nhà đầu tư đã đến đặt vấn đề thuê đất nhưng do ngành nghề của họ không phù hợp nên Trung tâm Phát triển hạ tầng CCN Thuận An buộc phải từ chối. Vậy nên sắp tới, đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện điều chỉnh lại quy hoạch CCN để có quỹ đất kêu gọi đầu tư.

Một dự án mới triển khai tại CCN Thuận An

Để hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện tiếp tục thu hút nhà đầu tư, thời gian qua, UBND huyện Đắk Mil đã đề nghị Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục kêu gọi, xúc tiến đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Thuận An giai đoạn 2. Phương án đầu tư hạ tầng CCN Thuận An đã được Sở KH&ĐT thẩm định cuối năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 16 tỷ đồng, ngân sách huyện và nguồn khác gần 113 tỷ đồng) nhưng chưa được phê duyệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vốn đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Thuận An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO