Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tuy Đức: “Tiếp sức” cho người dân thoát nghèo

Nguyễn Lương| 09/02/2017 09:13

Những năm qua, bằng việc quan tâm thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có nhiều thay đổi, góp phần rất lớn vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

ADQuảng cáo

Tuyến đường thôn 4, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) được bê tông hóa sạch đẹp

Hỗ trợ cây trồng, vật nuôi

Năm 2014, chị Thị Diêm, ở bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) được địa phương cấp phát hơn 50 cây mắc ca. Không chỉ được cấp giống, gia đình chị còn được cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ vậy, sau gần 3 năm, cây mắc ca phát triển rất tốt và đã cho thu hoạch khá.

Chị Thị Diêm cho biết: “Trước đây, gia đình có 5 sào cà phê thu nhập không cao. Sau này, với số mắc ca được cấp, gia đình trồng xen vào vườn cà phê, từ đó, thu nhập tăng lên. Nguồn thu nhập được cải thiện, gia đình tôi từng bước thoát nghèo, lại có thêm điều kiện để tái đầu tư vào vườn cây để có kết quả cao hơn”.

Thời gian qua, thông qua chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tuy Đức đã có hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2016, toàn huyện đã triển khai hỗ trợ hơn 35.800 loại cây như bơ, điều, sầu riêng, mắc ca và 8.300 con vật nuôi cho hơn 6.610 hộ, với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tuy Đức cho biết: “Để nâng cao hiệu quả chương trình, Phòng đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện, cử cán bộ phụ trách xuống trực tiếp tại vườn của bà con hướng dẫn. Từ khâu cấp phát giống đến trồng, chăn nuôi, chăm sóc đều được đơn vị quan tâm, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân”.

ADQuảng cáo

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn

Cùng với hỗ trợ các giống cây trồng vật nuôi, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được địa phương chú trọng phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 1 năm nay, người dân thôn 4, xã Quảng Tâm rất phấn khởi vì tuyến đường liên thôn dài gần 1 km được đầu tư làm mới kiên cố. Tuyến đường được bê tông hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, mà quá trình sản xuất của bà con cũng diễn ra thuận lợi hơn.

Bà Thị Chôm, ở thôn 4 chia sẻ: “Đường đi lại khang trang, hoạt động sản xuất suôn sẻ, bộ mặt của thôn cũng mới mẻ hơn. Từ nay, đồng bào chúng tôi không còn lo cảnh lầy lội khi mùa mưa xuống, cũng không bị tư thương ép giá cà phê vào mùa thu hoạch như trước đây”.

Ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm cho biết: “Ngoài đường giao thông, bằng nhiều nguồn vốn, thời gian qua, xã đã được đầu tư nhiều công trình như: nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống nước sạch, đường điện… Các công trình được đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong vấn đề giải quyết những khó khăn về sản xuất, đời sống của đồng bào, góp phần giúp địa phương từng bước xóa đói, giảm nghèo hiệu quả”.

Theo Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức thì đến hết năm 2016, tỷ lệ bon, buôn có từ 1 đến 2 km đường bê tông đạt 100%; số thôn, bon có điện lưới quốc gia đạt 98,6%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 92,5%...  

Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm, thời gian qua, các chính sách trong vùng đồng bào được địa phương triển khai thực hiện nhiều như: Chương trình 135; hỗ trợ kinh phí cho học sinh đồng bào; hỗ trợ lãi suất khi vay vốn; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào… Tuy nhiên, thực tế hiện nay do trình độ dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp nên nguy cơ tái nghèo rất lớn. Vì thế, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn, cũng như chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tuy Đức: “Tiếp sức” cho người dân thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO