Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020: Cần sự nỗ lực từ hai phía (kỳ 2): Đa dạng hóa phương thức thanh toán

Nguyễn Lương| 03/05/2019 09:21

Thói quen sử dụng tiền mặt, hay hạn chế về dịch vụ cung cấp, vấn đề an toàn, bảo mật đã khiến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa thể phát triển như kỳ vọng. Từ thực tế này, đòi hỏi các cấp, ngành, nhất là hệ thống các ngân hàng phải tích hợp nhiều giải pháp hữu hiệu để người dân tham gia mạnh mẽ vào đề án này.

ADQuảng cáo

Thanh toán các chi phí dịch vụ qua máy POS mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng

Nhận diện trở ngại

Trong quá trình thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài tâm lý dùng tiền mặt ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân thì vẫn còn nhiều trở ngại khác. Một trong những vấn đề hiện nay đã, đang được người dân quan tâm khi sử dụng phương thức thanh toán điện tử đó là vấn đề an toàn bảo mật.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh (xin được giấu tên) thẳng thắn nhìn nhận: Thiệt hại về vấn đề bảo mật là rất lớn, nhưng hiện nay vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Các ngân hàng luôn đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu, nhưng không dám khẳng định là an toàn tuyệt đối. Nếu không may có rủi ro xảy ra, việc mất tiền đã đành nhưng quan trọng hơn là mất uy tín, suy giảm niềm tin của khách hàng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước, cũng như các ngân hàng thương mại cần có cơ chế trao đổi về các phương thức, thủ đoạn để ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu.

Cùng với vấn đề bảo mật, an toàn trong giao dịch, hiện nay, việc thanh toán không sử dụng tiền mặt chưa phát triển được là do hạ tầng, kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

“Về phía ngân hàng, để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cần khoản kinh phí không nhỏ, mà không phải ngân hàng nào cũng đủ khả năng đáp ứng. Trong khi đó, phí thu được từ dịch vụ hiện chưa nhiều nên chưa đủ bù đắp cho các khoản đầu tư này”, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông chia sẻ.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn hạn chế, tốc độ triển khai chậm. Chưa kể, khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Kiên trì bám đuổi

Thực tế, để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn hiện nay cần rất nhiều giải pháp có tính chất liên thông, đồng bộ. Một trong những giải pháp hiện nay đã, đang được các tổ chức tín dụng triển khai đó là đa dạng nhiều hình thức thanh toán để từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Cũng theo bà Trần Thị Thu Hằng, để hình thức thanh toán bằng điện tử, không sử dụng tiền mặt ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đơn vị tiếp tục mở rộng các dịch vụ tiện ích, cung ứng các sản phẩm dịch vụ đồng bộ cho khách hàng. Đặc biệt, chi nhánh sẽ có chính sách phí hợp lý cho từng loại hình dịch vụ, từng đối tượng khách hàng. Việc huy động các đơn vị trả lương qua tài khoản, các doanh nghiệp mới thành lập để ký hợp đồng trả lương nhằm phát triển số lượng thẻ và tăng doanh số thu phí dịch vụ thẻ cũng sẽ được mở rộng, tăng cường hơn nữa.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Thương tín Sài Gòn cho hay: “Thay đổi thói quen trong thanh toán tiền mặt sang phi tiền mặt là một quá trình khó khăn, khi mà tiền mặt đang phổ biến trong các giao dịch mua, bán hiện nay. Để thay đổi được thói quen đó bắt buộc phải có những phương thức thanh toán mới thích hợp, thuận tiện hơn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn.” Cũng theo ông Hải, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng, cùng với việc hoàn thiện những sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện có, hầu hết các ngân hàng đã, đang nghiên cứu triển khai thêm các dịch vụ mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.  

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc thực hiện đề án này. Thông qua việc phát triển các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng mạng lưới giao dịch, hệ thống ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhận biết và từng bước làm quen, sử dụng hình thức thanh toán điện tử, mà trước hết là qua thẻ ATM.

Quyết định 2545/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, với nhiều mục tiêu cụ thể. Đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có hơn 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt, với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình thông qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020: Cần sự nỗ lực từ hai phía (kỳ 2): Đa dạng hóa phương thức thanh toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO