Thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33: Mới “chạm ngõ”

Lương Nguyên| 09/08/2017 09:59

Người dân chưa muốn vay vốn, chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm… là những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg (Quyết định 33) của Thủ tướng Chính phủ. Cũng vì thế, mặc dù đã triển khai thực hiện được 2 năm, nhưng chính sách này mới chỉ “chạm ngõ” chứ chưa thực sự đi vào nhà của người dân.

ADQuảng cáo

Số hộ nghèo được vay, hỗ trợ vốn và tích góp được để xây nhà mới theo Quyết định 33 trên địa bàn tỉnh chiếm con số rất ít

Người dân chưa … “mặn mà”

Để giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo.  Theo đó, những hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ, không có khả năng tự cải thiện nhà ở sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp. Mặc dù số tiền vay, thời gian trả nợ theo quy định này đã được thay đổi so với trước đây theo hướng thêm quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng nhưng người dân vẫn chưa "mặn mà" với chương trình vay vốn này.

Thực hiện Quyết định 33, trong năm 2017, huyện Đắk Glong đã xây dựng đề án với 236 hộ nghèo thuộc diện được vay vốn. Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng triển khai, đến nay, huyện vẫn chưa hoàn thành được căn nhà nào. Nguyên nhân chủ yếu là do bản thân các hộ nghèo không tiếp cận với khoản vay này.

Là hộ nằm trong danh sách được vay vốn để hỗ trợ xây nhà, nhưng ông K’Khiêm, ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê lại bỏ qua cơ hội này. Mặc dù, căn nhà mà gia đình ông đang sống đã xuống cấp khá trầm trọng. Ông K’Khiêm cho biết: “Hiện nay, tiền nhân công, vật liệu đều cao, trong khi gia đình tôi tích cóp chẳng được bao nhiêu. Với 25 triệu đồng tiền vay, cùng với một ít tiền hỗ trợ thì không đủ để xây được căn nhà cấp 4. Vì vậy, gia đình tôi mới không vay để xây nhà ở”.

Cũng có 4 thành viên đang sống trong căn nhà tạm, bà H’Mùi, ở bon B’Dơng, xã Quảng Khê chia sẻ: “Gia đình cũng muốn xây căn nhà nhỏ để ở, nhưng ngặt nỗi không đủ tiền. Tôi cũng muốn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH), nhưng mức vay quá thấp nên đành chấp nhận sống tiếp trong căn nhà dột nát này. Bao giờ tích góp được một số tiền, tôi mới tính chuyện vay thêm vốn để xây nhà”.

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Glong, trước đây, Nhà nước cho hộ nghèo vay 8 triệu đồng/hộ để xây nhà ở (theo Quyết định 167), nhiều hộ nghèo đều đăng ký. Bởi vì, đối với chính sách này, tỉnh đã hỗ trợ 100% vốn và lãi. Còn theo Quyết định 33, người dân được vay vốn, mặc dù mức vay cao hơn (mức tối đa là 25 triệu đồng) nhưng phải chịu lãi 3%/năm nên nhiều hộ nghèo tỏ ý không muốn vay. Không riêng gì huyện Đắk Glong, mà chuyện người dân không mấy “mặn mà” về khoản vay này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện Quyết định 33 tại các huyện Tuy Đức, Chư Jút, Krông Nô… gần như không thực hiện.

ADQuảng cáo

Có tiền cũng khó… giải ngân

Trong năm 2017, tổng nguồn vốn mà toàn tỉnh ưu tiên để thực hiện Quyết định 33 là 14,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay NHCSXH là 11,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho hộ đặc biệt khó khăn là hơn 3,4 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý thực hiện đề án. Nếu thực hiện theo số kinh phí này, trong năm nay, toàn tỉnh sẽ có 444 hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn xây mới, tu sửa nhà. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh mới xây dựng được 25 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Số tiền gần 12,6  tỷ đồng chưa thể giải ngân.

Ngoài theo lý giải của ông Hòa thì một nguyên nhân nữa là phần lớn hộ nghèo trên địa bàn đều đang có dư nợ tại NHCSXH, dẫn đến việc làm thủ tục vay thêm là điều không dễ. Thêm vào đó, tâm lý của nhiều hộ nghèo muốn vay tiền ngân hàng để tu sửa, làm nhà mới, nhưng lại lo không trả được tiền gốc và lãi khi đến hạn. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, chính quyền sở tại chưa thực sự quan tâm đến chương trình này cũng là nguyên nhân làm cản trở, gây không ít khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách.

Cần đẩy mạnh lồng ghép với nhiều dự án  

Ông Đào Thái Hòa cũng khẳng định, nguồn vốn để triển khai thực hiện Quyết định 33 trên địa bàn là không thiếu. Với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp giải ngân cho hộ nghèo vay vốn, Chi nhánh đã có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện để tổ chức phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với người dân. Tuy nhiên, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh phần lớn là những người cao tuổi, bị bệnh tật, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi đây là chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay nên nhiều gia đình cũng chưa thực sự mặn mà.

“Để chính sách thực sự có ý nghĩa, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các địa phương cần làm tốt công tác lồng ghép với các chương trình, dự án. Việc tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “Tương thân tương ái”, huy động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ thêm tiền, ngày công lao động, nguyên vật liệu... là điều hết sức cần thiết. Điều quan trọng hơn cả là ngay chính bản thân người nghèo, hộ gia đình chính sách cũng cần có nhận thức đầy đủ, phát huy tinh thần làm chủ, huy động thêm các nguồn lực khác để tu sửa, làm mới nhà”, ông Hòa chia sẻ thêm.

Từ đây cho thấy, những vướng mắc trong việc hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33 cần sớm được giải quyết, tháo gỡ. Có như vậy, chính sách nhân văn này mới thực sự “vào nhà” người dân, chứ không chỉ dừng lại ở tình trạng “chạm ngõ” như hiện nay.

Lý giải về việc có tiền nhưng không thể giải ngân, theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh:

Theo quy định tại Quyết định 33, mức vốn vay hỗ trợ việc tu sửa, làm nhà mới tối đa là 25 triệu đồng/hộ từ NHCSXH, với thời hạn vay là 15 năm, lãi suất vay 3%/năm. Trong đó, thời gian ân hạn  5 năm, thời gian trả nợ tối đa 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, với mức trả lãi mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Quy định là thế, nhưng đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, phần lớn không có điều kiện, nguồn lực để góp thêm tiền tu sửa hoặc làm nhà mới. Trong khi, tổng số tiền vay và hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng/hộ thì không đủ để xây nhà theo diện tích tối thiểu là 24 m2 và tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33: Mới “chạm ngõ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO