Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy: Kết quả bước đầu ở Đắk Song

Nguyễn Lương| 15/09/2015 13:58

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Đắk Song đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.

ADQuảng cáo

NHỮNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Gia đình bà Trần Thị Dứa ở thôn 8, xã Nam Bình trước đây đã chăn nuôi heo, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ nên hiệu quả đạt thấp. Từ suy nghĩ phải đổi mới tư duy làm ăn, năm 2011, cùng với số vốn tích lũy được, gia đình đã hợp đồng với Chi nhánh Công ty Cổ phần chăn nuôi CP tại Ðắk Lắk tổ chức chăn nuôi theo hướng công nghiệp.

Với hình thức này, gia đình bà đầu tư chuồng trại ban đầu và công chăm sóc hàng ngày, còn con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh… đều do doanh nghiệp cung cấp. Với quy mô chuồng trại đáp ứng đủ tiêu chuẩn chăn nuôi trên 1.000 con heo, từ năm 2012 trở đi, mỗi năm, gia đình bà xuất bán 2 lứa. Sau khi  trừ chi phí, gia đình thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Trang trại nuôi heo theo hướng công nghiệp của gia đình bà Trần Thị Dứa mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng/năm

Bà Dứa chia sẻ: “Thực chất, chăn nuôi theo hướng công nghiệp cũng không khó, nếu quyết tâm ai cũng có thể làm được. Gia đình tôi chủ yếu là tuân thủ chặt chẽ các quy trình từ vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh, cho ăn đúng và đủ nên đàn heo phát triển nhanh và đưa lại hiệu quả kinh tế cao”.

Còn gia đình anh Đào Xuân Hiển ở thôn 2, xã Thuận Hạnh lại thu được nguồn lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm với hình thức đa cây. Được biết, năm 1997, anh Hiển trồng 2 ha cà phê, đến năm 2000, cà phê xuống giá khiến nhiều hộ gia đình chặt bỏ và chuyển sang trồng giống cây khác.

Tuy đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng anh Hiển vẫn quyết tâm giữ vườn cà phê của gia đình. Trước thực trạng cà phê được mùa rớt giá, anh đã mạnh dạn trồng xen 100 cây sầu riêng trong vườn. Năm 2006, cà phê được giá trở lại cũng là lúc diện tích sầu riêng cho thu hoạch. Và trong nhiều năm sau đó, gia đình anh thu được lợi nhuận “kép” từ cà phê và cây sầu riêng.

Năm 2013, với số vốn tích góp được, anh Hiển tiếp tục mua thêm đất trồng hồ tiêu, bơ booth. Đến nay, anh đã có gần 4.500 trụ tiêu, trong đó, có hơn 1.000 trụ kinh doanh, hơn 2 ha cà phê và 120 cây bơ booth. Vụ mùa vừa qua, gia đình anh thu được gần 30 tấn bao gồm tiêu, cà phê, sầu riêng và bơ booth. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi hơn 1 tỷ đồng.

Anh Hiển tâm sự: “Đối với tôi, việc làm giàu không khó, quan trọng là phải mạnh dạn, có đầu óc dám nghĩ, dám làm. Hơn thế, trong quá trình canh tác, người nông dân phải nắm rõ các biện pháp chăm sóc đúng khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế”.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều loại cây trồng như ớt ngọt, cà chua ghép… đạt giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân tại địa bàn.

Mô hình cà chua ghép tại xã Thuận Hạnh

NỖ LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Song, trên cơ sở nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nông dân.

Một trong những giải pháp trọng tâm đã được địa phương triển khai trong thời gian qua, đó là chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi. Theo đó, đối với từng xã, thị trấn, huyện đã tập trung rà soát, tổng hợp các loại cây trồng, vật nuôi, trên cơ sở đó lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa bàn để đưa vào canh tác.

Việc quy hoạch các vùng phát triển trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sức cạnh tranh trên thị trường cũng từng bước được địa phương chú trọng. Về chăn nuôi, huyện đã phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với công nghệ tiên tiến để nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong quá trình sản xuất, địa phương không ngừng chú trọng việc triển khai thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa 5 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng)… để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định và đầu ra sản phẩm bền vững.

Hàng năm, địa phương đã dành kinh phí tập trung cho 1 đến 2 mô hình hiệu quả, từ đó, hạn chế việc đầu tư dàn trải không có trọng tâm, trọng điểm. Cũng nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 của địa phương đạt hơn 3.810 tỷ đồng, tăng 1.714 tỷ đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 65 triệu đồng, tăng hơn 12 triệu đồng so với năm 2010.  

Cũng theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Song thì hiện nay, sự phá vỡ quy hoạch về diện tích cây trồng đang là khó khăn đối với địa phương. Vì thế, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cấp, ngành tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ việc phát triển ồ ạt các loại cây trồng không theo quy hoạch.

Đối với những mô hình mới, phù hợp với thổ nhưỡng, địa phương sẽ xem xét, từ đó, đưa vào ứng dụng thực tế để nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế, nhằm phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn đạt hơn 5.060 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy: Kết quả bước đầu ở Đắk Song
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO