Thực hiện Thông tư 39/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ kinh doanh hiểu đúng quy định

Nguyễn Lương| 13/04/2017 11:49

Từ ngày 15/3/2017, đại diện hộ kinh doanh không được ký vay vốn tại các ngân hàng theo nội dung quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (TT 39) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì không đủ tư cách pháp nhân, gây lo lắng, băn khoăn nhiều hộ sản xuất, kinh doanh. Vậy nội dung Thông tư 39 cụ thể như thế nào?

ADQuảng cáo

Nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn lo lắng vì quy định mới tại TT 39

Nhiều băn khoăn, lo lắng

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Sau khi thông tin TT 39 có hiệu lực từ ngày 15/3/2017, các đối tượng không phải là pháp nhân (hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Trước quy định này, không ít hộ kinh doanh trên địa bàn không khỏi lo lắng, băn khoăn.

Năm 2016, để mở đại lý bán mặt hàng quần áo, chị Nguyễn Thị Linh Lan, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) phải vay ngân hàng thương mại hơn 200 triệu đồng. Quá trình buôn bán diễn ra khá thuận lợi nên năm nay, gia đình chị dự kiến sẽ vay thêm vốn để mở rộng kinh doanh. Vậy nhưng, nếu theo quy định mới tại TT 39 thì không hề dễ.

Chị Lan phân trần: “Tôi nghe bảo bây giờ muốn tiếp tục vay vốn, hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp, tôi thấy “nản” quá. Bởi vì, từ trước đến nay, vay với tư cách chủ hộ kinh doanh thì ngoài lãi suất được ưu đãi, việc quản lý, nộp thuế đối với tôi cũng khá đơn giản. Còn giờ mà thành lập doanh nghiệp, tôi phải làm thủ tục thành lập, khắc dấu… Chưa hết, hằng quý, hằng năm, tôi phải báo cáo tài chính rất phức tạp”.

ADQuảng cáo

Cũng như chị Lan, bà Phạm Thị Hoa, một tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ Gia Nghĩa cho hay: Trước đây, bà và rất nhiều người bạn ở chợ này chỉ quen làm ăn nhỏ lẻ. Tuy vậy, mỗi cửa hàng mở ra, số vốn cũng lên tới cả trăm triệu đồng nên ngoài vốn gom góp được, họ phải vay mượn người thân hoặc ngân hàng. “Đa số hộ kinh doanh cá thể ở đây đều phải vay vốn ngân hàng. Nhu cầu buôn bán không lớn, nếu thành lập doanh nghiệp thì chúng tôi không có kinh nghiệm để quản lý sổ sách, con dấu, chứng từ. Không những thế, buôn bán nhỏ lợi nhuận thì không nhiều, nếu vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao nên tôi cũng không mấy mặn mà”.

Cần hiểu đúng quy định

Ông Trần Hữu Phú An, Trưởng Phòng Tổng hợp, Kiểm soát nội bộ (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh) khẳng định, TT 39 có khá nhiều quy định mới quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả ngân hàng và khách hàng vay vốn. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đại diện cho hộ như trước đây nữa. Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ. Mặt khác, để vay vốn ngân hàng, hoàn toàn không có chuyện bắt buộc các hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp mới được vay vốn ngân hàng, vì văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có quy định nào như vậy. Tuy nhiên, theo quy định mới, thay vì vay theo tư cách “hộ” thì các đối tượng trên có thể vay vốn với tư cách cá nhân, bởi theo Bộ Luật Dân sự, không còn chủ thể “hộ” nữa.

Cũng theo ông An, để giúp người dân hiểu rõ quy định này, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thông báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo đó, căn cứ TT 39, các ngân hàng có quy định nội bộ về hoạt động cho vay đối với khách hàng. Cùng với đó, Chi nhánh đã tổ chức họp phổ biến triển khai thực hiện TT 39; đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn, triển khai đến các phòng giao dịch, cán bộ tín dụng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức tín dụng kịp thời báo cáo về Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh để có hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền.

Như vậy, nội dung quy định đã rõ ràng, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều khách hàng là hộ tiểu thương hiêu rõ, nhằm từng bước giúp các hộ giải tỏa tâm lý lo lắng, cũng như có những chính sách, chương trình mới phù hợp để họ được tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một số nội dung liên quan của Thông tư 39

Thông tư 39/2016/TT-NHNN (TT 39) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017 và thay thế 8 văn bản. TT 39 quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Thông tư 39 cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

Về điều kiện vay vốn, TT 39 về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi: Bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay; Bổ sung thêm đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Hồ sơ vay vốn, TT 39 trao quyền cho tổ chức tín dụng (TCTD) hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, TT 39 đã bỏ yêu cầu khách hàng phải gửi giấy đề nghị vay vốn cho TDTD và đơn giản hóa phương án sử dụng vốn đối với hoạt động cho vay đời sống.

Mục đích vay vốn, TT 39 không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 2 nhóm: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác.

TT 39 cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Thông tư 39/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ kinh doanh hiểu đúng quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO