Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông (kỳ 1): Đăng ký quy chuẩn, nhưng sản phẩm không chuẩn

Hưng Thịnh| 25/09/2017 11:20

Việc quản lý thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón tại tỉnh Đắk Nông đang là điều kiện tiên quyết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân và cũng bảo đảm cho một nền nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Nhưng thực tế quản lý chất lượng phân bón hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ, giải quyết.

ADQuảng cáo

Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm phân hỗn tạp chất, hàm lượng gấp nhiều lần so với đăng ký. Thế nhưng, việc xử lý tình trạng này đến nay vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn do chưa có chế tài.

Phân hữu cơ chứa mảnh thủy tinh, gạch, cát

Đầu tháng 4/2017, ông Trần Văn San, khối 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) mua 60 bao phân hữu cơ vi sinh (loại 50kg/bao) do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất và được khuyến mãi thêm 6 bao. Sau đó, ông đem 40 bao bón cho vườn cà phê khoảng 1.500  gốc (tương đương mỗi gốc khoảng 1,4 kg). 

Khoảng 2 tuần sau, ông San kiểm tra thì thấy vườn cây bình thường, không có biểu hiện phát triển, phun đọt nhanh như những đợt bón phân trước. Tại nhiều gốc cà phê, ông phát hiện một số tạp chất lạ như mảnh vỡ thủy tinh, nhựa phế liệu, nilon, bột gạch xay, cát… còn nằm lại trên mặt đất.

Nghi ngờ phân bón kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất gây hại, ông San cùng một số người dân lấy phân khuấy tan trong nước và lọc lại. Kết quả, ngoài số phân đã tan trong nước, còn lại rất nhiều tạp chất không thể hòa tan, tương tự như các chất tồn lại dưới gốc cà phê. Ngay sau đó, ông San có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra, xử lý.

Phân bón chứa nhiều tạp chất, rác thải độc hại

Sau khi tiếp nhận đơn thư công dân, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên trách để phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, chính quyền địa phương vào cuộc xác minh, xử lý.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy một số nội dung tố cáo của ông San là đúng, như đoàn kiểm tra phát hiện những gốc cà phê được bón phân vẫn còn các loại tạp chất như mảnh thủy tinh, gạch, vỏ sò, cát… Đoàn kiểm tra lấy khoảng 1 kg phân khuấy tan trong nước và lọc lại, kết quả hơn 10% tạp chất còn lại và trùng với các loại tạp chất dưới những gốc cà phê đã bón phân.

Lý giải về hiện tượng này, ông Đoàn Khắc Thiện, Giám đốc Kinh doanh Công ty Tâm Sinh Nghĩa cho biết các tạp chất trong phân bón là do nguồn đầu vào sản phẩm phân bón được lấy từ rác thải sinh hoạt tại tỉnh Kiên Giang. Sau khi sàng lọc, lượng tạp chất còn lại chỉ chiếm khoảng 6% và công ty đã bù vào mỗi bao vì khối lượng ghi trên bao bì là 50 kg, nhưng thực tế đều khoảng 53 kg (3 kg chênh lệch tương đương với 6% tạp chất).

Hàm lượng thực tế gấp nhiều lần đăng ký

Ngày 7/4/2017, ông La Văn Thành, ngụ xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có đơn gửi tới các cơ quan chức năng phản ánh tình trạng vườn tiêu của gia đình ông xảy ra hiện tượng tiêu vàng lá, rụng đốt và chết hàng loạt sau khi bón phân hữu cơ HB3 Mai Nở do Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất Huy Bảo (huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) sản xuất và phân phối ra thị trường.

ADQuảng cáo

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT sau đó đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hộ dân và đại diện đơn vị sản xuất phân bón lấy mẫu phân bón theo quy định để gửi đi kiểm tra tại Công ty TNHH Eurofins Sắc ký Hải Đăng (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

Kết quả phân tích cho thấy nhiều thành phần, vi chất vượt hơn 2,5 lần so với quy chuẩn trên bao bì. Tiêu biểu như thành phần đạm đăng ký trên bao bì là 5% nhưng kết quả phân tích là 12,9%; hữu cơ đăng ký 23% nhưng thực tế gần 58%; axit humic đăng ký 2,5% nhưng thực tế là 5,16%...

Phân bón hữu cơ Mai Nở có nhiều thành phần vượt gần 2,5 lần so với quy chuẩn đăng ký

Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Tợ, ngụ xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng khiếu nại đến các cơ quan chức năng của tỉnh về việc vườn tiêu của gia đình mình có hơn 20 gốc bị chết trụi sau khi bón phân. Loại phân đã bón là phân bón hữu cơ nhãn hiệu Ong Biển do Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất, thương mại Đại Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sản xuất. Theo kết quả lấy mẫu và gửi đi phân tích của Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiều vi chất, thành phần trong phân bón Ong Biển cũng vượt từ 1,2 – 1,4 lần so với tiêu chuẩn công bố.

Mới đây nhất, vào ngày 3/8/2017, Chi cục Quản lý thị trường nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Văn Hưng, thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) về việc phân bón làm rụng lá, chết cành cà phê. Trong đơn, ông Hưng cho biết sau khi gửi mẫu đi kiểm nghiệm độc lập, kết quả cho thấy phân lân TE nhãn hiệu “Cá heo” của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thiên Hòa có nhiều thành phần vượt xa hàm lượng công bố, như kẽm (Zn) vượt gần 4 lần, sắt (Fe) vượt gần 2 lần… Ông Hưng cho rằng đây là nguyên nhân chính làm vườn cà phê của gia đình ông rụng lá, chết cành sau một thời gian bón phân.

Không xử phạt vì chưa có chế tài

Sau khi gửi mẫu phân bón lấy tại nhà ông San và đại lý đã bán phân cho ông gửi đi kiểm nghiệm, Sở Nông nghiệp và PTNT kết luận chưa đủ cơ sở để khẳng định việc bón phân có ảnh hưởng (xấu) đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Riêng đối với các tạp chất trong phân bón, Sở kết luận chưa thể xử lý, xử phạt do… chưa có quy định, chế tài.

Đối với phân bón có các thành phần vượt mức đăng ký trên bao bì, theo ông Trần Mậu Dũng, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, các quy định của luật còn vướng nên một số trường hợp phát hiện phân bón có vấn đề nhưng không xử lý được. Luật chỉ quy định chế tài xử phạt, xử lý đối với phân bón kém chất lượng, phân giả, phân không đạt các tiêu chuẩn công bố, đăng ký. Còn các loại phân có thành phần vượt tiêu chuẩn công bố, hoặc có các tạp chất (kể cả gây hại - PV) luật không quy định nên không có căn cứ để xử lý.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các nhà sản xuất phân bón cần phải bảo đảm thành phần, vi chất đúng như tiêu chuẩn công bố. Việc các thành phần, vi chất vượt quy chuẩn công bố nhiều lần rất dễ ảnh hưởng xấu tới cây trồng và gây thiệt hại cho người dân. Ông Nguyễn Tuấn Khải cho rằng các bộ, ngành cần điều chỉnh, bổ sung luật liên quan đến phân bón theo hướng bổ sung chế tài, quy định để xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường các sản phẩm không đúng theo tiêu chuẩn đã công bố, tức cả thiếu lẫn thừa. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người nông dân.

Còn ông Phạm Tường Độ, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết từ trước tới nay, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, đơn vị phát hiện rất nhiều sản phẩm phân bón có thành phần vượt tiêu chuẩn công bố. Tuy nhiên, phát hiện vượt rồi… thôi vì không có chế tài xử phạt. Trong khi nhiều thành phần vượt từ 4 – 5 lần so với công bố, dễ ảnh hưởng xấu tới cây trồng, gây “ngộ độc” vì vượt quá hàm lượng cho phép.

Liên quan tới vấn đề này, Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp lên trên, tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị về Bộ Công thương, cũng như đóng góp ý kiến để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu ý kiến tại các cuộc họp Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay các quy định, chế tài xử lý vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung.

>> Kỳ 2: Nhiều bất cập trong phân phối, tiếp thị sản phẩm

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông (kỳ 1): Đăng ký quy chuẩn, nhưng sản phẩm không chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO