Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông (kỳ 3): Nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm soát thị trường

Hưng Thịnh| 27/09/2017 11:19

Việc quản lý thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón là một ưu tiên hàng đầu của tỉnh và ngành Nông nghiệp trong bối cảnh tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn, bền vững. Đây được coi là một trong những khâu quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình này.

ADQuảng cáo

Cây ăn trái là một trong các thế mạnh mới của nông nghiệp Đắk Nông

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 120.000 ha cà phê, gần 30.000 ha tiêu, hàng chục ngàn ha cây ăn trái, rau màu… nên nhu cầu về phân bón rất lớn.

Theo tính toán sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mỗi năm nông dân trong tỉnh cần trên 400.000 tấn phân các loại, chưa tính phân chuồng, phân hữu cơ tự nhiên. Tổng số tiền mà nông dân trên địa bàn tỉnh chi ra để mua phân bón cho cây trồng mỗi năm lên đến gần 5.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2 – 3 lần so với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Mấy năm gần đây, hiệu quả kinh tế mà các loại cây công nghiệp dài ngày và một số loại cây ăn trái, rau màu cao nên nông dân cũng sử dụng thêm nhiều phân bón. Thực tế này vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực đến cây trồng, môi trường và đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng như bản thân mỗi hộ nông dân phải chung tay giải quyết.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón là một cuộc “chiến đấu trường kỳ”, và cần một cuộc “cách mạng” để thay đổi toàn diện. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân và hướng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia một cách đầy đủ, với tinh thần trách nhiệm cao của từng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón; các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương và bản thân mỗi hộ nông dân. Theo đó, các ngành chức năng từ Trung ương cần hoàn thiện, bổ sung một số điểm chưa thật sự hợp lý trong các luật định, quy định của luật pháp liên quan đến thị trường phân bón theo hướng tăng nặng hơn nữa mức phạt đối với các hành vi vi phạm để nâng cao tính răn đe đối với nhà sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc xử phạt đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phân bón giả… như hiện nay, ngành chức năng cần bổ sung, quy định rõ ràng các hành vi sản xuất phân bón không đúng quy chuẩn đã công bố, vượt các thành phần công bố và chứa các tạp chất gây hại.

ADQuảng cáo

Ông Khải nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đầu tiên là nhà sản xuất phải bảo đảm sản phẩm đúng quy chuẩn công bố thì mới có thể khuyến cáo nông dân về quy trình kỹ thuật, liều lượng phân bón. Đây là điều kiện tiên quyết”

Hiện nay đang là cao điểm của đợt kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các đơn vị chức năng của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với ngành chức năng của 8 huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.

Ông Trần Mậu Dũng, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Đợt kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời hướng dẫn, chấn chỉnh các đơn vị, cá nhân thực hiện đúng quy định nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp. Cũng theo ông Trần Mậu Dũng, căn cứ trên kết quả thanh tra, đơn vị sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và một số biện pháp để khắc phục, xử lý các sai phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) thì phân bón là một mặt hàng trọng điểm và việc kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm là một nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; tổ chức ký cam kết không sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn tỉnh.

Trao đổi với phóng viên về quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng phân bón tại Đắk Nông, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là việc làm hết sức cần thiết, trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong tỉnh rất lớn và ngành nông nghiệp đang phát triển theo hướng liên kết sản xuất với quy mô lớn, an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Theo quy định, việc cấp phép sản xuất phân bón, cả vô cơ lẫn hữu cơ đều do các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp-PTNT thực hiện. Đắk Nông cũng chưa có cơ sở nào thực hiện được việc kiểm tra, phân tích chất lượng phân bón, mỗi khi nghi phân bón kém chất lượng, ngành chức năng phải lấy mẫu gửi đi phân tích rất mất thời gian và bất tiện. Ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân sử dụng phân bón đúng theo liều lượng nhà sản xuất hướng dẫn trên bao bì, không lạm dụng phân bón cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Liên quan đến việc một số loại phân bón có hàm lượng vượt quy chuẩn công bố (không đúng quy chuẩn công bố), ông Trương Thanh Tùng cho biết sẽ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chế tài cho phù hợp với thực tế đặt ra, tránh trường hợp phân bón “gây hại” cho cây trồng và thiệt hại cho nông dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông (kỳ 3): Nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm soát thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO