Tiếp thêm động lực thoát nghèo từ nguồn vốn ủy thác của địa phương

Nguyễn Lương| 19/11/2019 08:53

Ngoài nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, hàng năm, tỉnh Đắk Nông đã trích một phần ngân sách của địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để thực hiện cho vay. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có thêm hàng ngàn hộ gia đình được tạo cơ hội vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, xây dựng cuộc sống ổn định...

ADQuảng cáo

Ghi nhận tại Đắk Glong

Mới đây, gia đình ông Lưu Văn Hạnh, ở thôn 11, xã Quảng Khê (Đắk Glong), đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền xã cho ra khỏi diện hộ nghèo. Đây là một việc làm mà nếu như 4 năm trở về trước, gia đình ông không bao giờ dám nghĩ tới. “Tôi nghĩ rằng, gia đình mình đang từng bước tạo được thu nhập, nên muốn để suất hộ nghèo cho những gia đình khác còn khó khăn hơn”, ông Hạnh chia sẻ.

Theo ông Hạnh, năm 2016, gia đình ông được địa phương bình xét, đề xuất NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, ông đầu tư 3 sào đất trồng dâu để nuôi tằm. Hiện nay, việc nuôi dâu tằm mỗi tháng mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Ông Hạnh cho biết thêm: “Với mức thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm, gia đình cơ bản đáp ứng được chi phí sinh hoạt và trang trải cho con cái học hành. Hiện tại, gia đình tập trung sản xuất, tích luỹ vốn, với mong muốn mở rộng thêm diện tích đất để trồng dâu, phục vụ mô hình nuôi tằm, phát triến kinh tế lớn hơn”.

Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, gia đình bà Đặng Thị Thủy đầu tư vào vườn tiêu, cà phê để tăng năng suất

Cũng tại thôn 11, gia đình bà Đặng Thị Thủy có cuộc sống ổn định hơn từ sau khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Gia đình bà Thủy có 5 nhân khẩu, trong đó, có 2 người con đang theo học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Thủy, trước đây, với gần 2 ha cà phê, tiêu nhưng không có vốn đầu tư nên năng suất, hiệu quả thấp. Từ năm 2017, sau khi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH theo chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, gia đình bà mua sắm vật tư, phân bón đầu tư chăm sóc cây trồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm, sau khi thu hoạch cà phê, tiêu, gia đình bà tái đầu tư vào chăn nuôi thêm bò và gà. Với sự siêng năng, cần cù, hiện nay, nguồn thu nhập mỗi năm cũng đáp ứng được cơ bản mọi sinh hoạt của gia đình.

ADQuảng cáo

Bà Thủy cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của Nhà nước, gia đình tôi có điều kiện đầu tư sản xuất, nuôi con cái ăn học. Bây giờ chỉ mong muốn mọi điều được thuận lợi để sớm thoát được diện nghèo”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Glong, toàn huyện hiện có hơn 100 hộ gia đình được vay vốn từ nguồn ủy thác của địa phương, với dư nợ gần 4 tỷ đồng. Để có được kết quả này, hàng năm, đơn vị đã tích cực tham mưu với Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện trong việc đề xuất phân bổ nguồn vốn ủy thác của địa phương để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, thông qua các buổi họp, Phòng Giao dịch thường xuyên đề xuất vấn đề này với Trưởng Ban đại diện. Sau khi thống nhất, HĐND huyện thông qua và ra nghị quyết để hàng năm UBND huyện trích một phần ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay. Đặc biệt, sau khi nguồn vốn được ủy thác, đơn vị thực hiện tốt công tác bình xét, cho vay, hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích; đồng thời, tích cực thu nợ, lãi theo đúng thời gian quy định.

Ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện đã quan tâm, trích một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Hàng năm, nguồn vốn ủy thác không ngừng được tăng lên. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã ủy thác qua NHCSXH là 1,5 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn thực sự có ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo tại địa phương mỗi năm tương đối cao, đạt chỉ tiêu đề ra so với nghị quyết. Cụ thể như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tại Đắk Glong giảm 6,2%. Còn trong năm 2019, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống thấp.

Tập trung phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Theo Chi nhánh NHCSXH, tính đến 15/11/2019, tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH là hơn 128 tỷ đồng, với gần 5.000 hộ được vay vốn ưu đãi. Trong đó, riêng giai đoạn 2015-2019 (Sau khi thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội), nguồn ngân sách của tỉnh ủy thác qua cho NHCSXH là hơn 76 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2015, nguồn vốn ngân sách ủy thác 7,2 tỷ đồng; năm 2016  7,7 tỷ đồng; năm 2017 15,6 tỷ đồng; năm 2018 bổ sung qua trên 20,1 tỷ đồng và năm 2019 bổ sung 18,1 tỷ đồng. Với nguồn vốn được ủy thác từ ngân sách tỉnh, các huyện, thị xã đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hàng năm, đơn vị đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương dành một phần ngân sách ủy thác qua đơn vị để cho người dân vay vốn. Nguồn vốn tại các quỹ tài chính Nhà nước đang quản lý như: Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh… cũng được Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo ủy thác qua cho NHCSXH để thực hiện cho vay. Trên cơ sở nguồn vốn được ủy thác, NHCSXH tập trung giải ngân cho vay. Quá trình bình xét, giải ngân vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn… tại cơ sở luôn được đơn vị chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc thực hiện sâu sát. Trong quá trình triển khai, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa bàn. Nhờ đó, nguồn vốn cho vay đã đến đúng đối tượng, hiệu quả sử dụng vốn đúng mục đích được nâng cao, góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp thêm động lực thoát nghèo từ nguồn vốn ủy thác của địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO